1.
Nhắm mắt vẫn còn mơ Hà Nội
Như một tình nhân ám ảnh hoài
Hương thơm trinh nữ? Ồ không phải
Hương phở thơm đầy những sớm mai
T
hi sĩ Tản Đà là người sành ăn vào bậc nhất. Có lẽ, ông là người đầu
tiên đã “phát hiện” ra... chân lý: Thức ăn ngon nhưng chỗ ngồi không ngon
thì ăn không ngon, thức ăn ngon nhưng không có bạn đồng điệu thì ăn
không ngon, thức ăn ngon nhưng bát đũa không sạch sẽ thì ăn cũng không
ngon... Biết đại khái như thế thì mới thấy nghệ thuật về ăn quả là không dễ.
Phở là món quà “căn bản” của miền Bắc, nhưng ai là người đầu tiên
đưa vào Sài Gòn? Tôi vẫn nghĩ là Tản Đà. Những năm tháng cùng Ngô Tất
Tố lang thang vào Nam Kỳ cộng tác với Diệp Văn Kỳ làm báo Đông Pháp
thời báo, có lần “ông thần ngông” này đã cao hứng cạy gạch bông trên nền
nhà, cuốc đất để trồng các loại rau húng, quế... Rồi một buổi chiều rét mướt
hiếm hoi của vùng đất phương Nam, ông đã làm món phở để đãi những
người đồng hương và các bạn Nam Kỳ. Ai ăn cũng khen ngon. Từ đó, món
phở dần dần... phổ biến công khai một cách rộng rãi!
Tất nhiên, đây chỉ là tưởng tượng của tôi vì yêu Tản Đà quá đấy thôi.
Thật ra, phở chỉ mới có mặt ở Sài Gòn từ thập niên 40 của thế kỷ XX.
Trong những ngày trong lòng buồn vui không rõ rệt, tự nhiên tôi lại thèm
một bát phở với lòng dạ nôn nao, với cảm giác như nhớ người yêu đã hẹn
mà nàng không đến, tôi bèn thả bước chân lang thang mọi ngóc ngách Sài
Gòn. Nhờ thế, qua anh Nguyễn Hạnh - tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa
học lịch sử phía Nam, tôi tìm ra một nhân chứng của... phở.