quét. Thật ra thì Liệu không cám cảnh nhiều lắm, niềm vui ra giêng có việc
làm anh khấp khởi.
Đó là tập sự nghề khắc dấu đồng, theo học những thợ đàn anh trong
nhà. Cầm dùi sắt, chạm đồng, xước sát, chảy máu luôn tay, Liệu chẳng
quản. Khốn thay anh không phải người khéo. Thế nên, phần vì thương mến,
ông chủ cứ phân thêm những việc nhà cho nhẹ nhàng hơn. Thỉnh thoảng
ông rủ Liệu đi ăn hủ tiếu, xem hát bội. Với một người Nam Bộ bình
thường, những nhận xét của Liệu được xem là rất sắc sảo. Được tôn trọng,
coi là nửa tập việc, nửa là chú em, mà Liệu không thấy thoải mái. Người ta
tốt. Nhưng cứ thế này anh sẽ không học được nghề mà vẫn mang ơn nuôi
ăn.
May là thuê chung ngôi nhà có ông phó may. Liệu bèn xin sang học
nghề mới với cái cớ chân tay lóng ngóng, e tốn công dậy dỗ của thầy. Bây
giờ là đốt bàn là, đơm khuy, thùa khuyết, dọn vải vụn, chạy đi mua chỉ...
Tuy lặt vặt, anh có tâm trạng đỡ là người ăn theo, kiếm tiền một cách sòng
phẳng hơn. Có lẽ Liệu sẽ thành một thợ may khéo? Không chừng sẽ thành
ông chủ tiệm lớn, hàng ngày tươi cười đứng đón các bà các cô tới đo ướm,
cũng nên... Tối đến, còn chút thì giờ, Liệu sẽ ngâm thơ cho mấy ma - nơ -
canh nghe. Những cô nàng ngực nở bụng thon bằng nhựa, bằng gỗ sẽ vui
lòng thưởng thức tâm sự của “anh hùng mạt lộ” suốt đêm...
Nhưng chứng tê phù giã bẹp mọi mong ước. Các khớp ngón tay đau
đớn. Đầu gối to tướng, đỏ bóng. Chỉ cần ra Bắc, nơi khí hậu kém ẩm thấp
hơn là ta sẽ khỏi. Nhưng tiền đâu mà ra. Nằm lại thì thuốc ai bố thí? Được
người cơm cháo, dọn rửa thế này, là phúc đã lớn tày ngôi phủ thờ Bà Chúa
Liễu ở quê rồi.
Tráng sĩ đau lòng thân ỷ lại
Anh hùng thẹn mặt cảnh vô nhan