Nghênh thân phúc lộc rước vào nhà
Liệu nhoay nhoáy thảo vào đôi băng giấy điều, chữ nhỏ và bay bướm,
nét đậm nét thanh rất điệu, đoạn treo lên. Đang soạn một đôi câu đối khác
thì có tiếng trầm trồ “Hảo a! Hảo a!”. Ông Tầu mặt tròn trĩnh đứng gác một
chân lên hè ngắm nghía, miệng khen không ngớt.
- Tiên sinh viết đẹp hà. Phết phẩy rất có hồn hà.
- Dạ, không dám...
Liệu nhún mình đúng kiểu chân Nho không coi lời tâng bốc hay đàm
tiếu vào đâu, phóng bút tiếp.
Tết đến nhà nhà vui con trẻ
Xuân về thôn xóm chúc ông bà
Đấy chỉ là những câu sáo mòn, đối không hẳn đã chỉnh, ngoài kia Liệu
và đám bạn vẫn chỉ trỏ cười chê, nay cóp lại mà được khen nắc nỏm.
Những là sâu xa, những là hàm súc, nhiều ý tứ bên trong lắm. Dân “ở
trỏng” dễ tính thật. Vài người nữa xúm lại, kẻ không biết thì tò mò, người
có chút chữ thì tán tụng. Ông người Tàu đợi cho câu đối ráo mực, cuộn lại,
bảo “Tôi lấy đôi này dán cửa bếp. Nhưng hơi nhỏ. Phiền tiên sinh viết cho
đôi đại tự dán cột nhà”. Thấy Liệu nhăn nhó, ông vỗ túi xường xám:
- Tiên sinh khỏi lo. Tôi có tiền. Tôi mua giấy lớn, bút to, tiên sinh
phóng tay đại tự mới hả.
Ông ta cứ nhì nhèo, rằng bấy lâu ở Sa Đéc không ai biết viết câu đối
đẹp, rằng được chữ tiên sinh là có phúc lớn cả năm. Có biết đâu rằng “tiên
sinh” đang bí. Từ nhỏ đến giờ toàn tập trong vở, có viết đại tự bao giờ. Đó
là một thử thách rất lớn, ai không rành thư pháp hở cơ ngay, như đô vật lấm
lưng trắng bụng trên sới.