- Xẩy nhà ra thất nghiệp là đây, Liệu ạ.
Ông Bùi rầu rĩ thở ra trong khi Liệu để tâm vào bàn thờ thiên trong
góc chợ. Khói hương nghi ngút, mầu giấy phong bao thật tươi mắt. “Hay là
chúng ta viết câu đối... ”, anh reo lên.
- Nhưng cậu vẫn thương hại bọn bần nho bán chữ kia mà.
- Thưa thầy, đến nước này thì mình phải thương lấy thân mình thôi.
Miệng nói, chân hăm hở rẽ vào hàng tạp hóa. Ông Bùi cũng hăng lên
dốc túi mua mấy băng hồng điều, cây bút lông lớn và thỏi mực tầu. Ngần
ngừ trước cái nghiên, hai thầy trò quyết định chẳng xa xỉ làm gì, ra mé chợ
nhặt mảnh bát vỡ còn hơn.
Cái góc phố họ chọn đông người qua lại, trước một gian hàng đã đóng
cửa ăn Tết. Giải chiếc chiếu lem nhem, Liệu sắn tay mài mực. Cũng may
thầy trò mang cả áo lương theo nên trông ra dáng ông đồ. Ông Bùi ngồi
bằng tròn lấy tờ báo ra thử bút. Nhưng sao tay cứ run bắn, mặt hết tái dồn
sang đỏ. Được một lúc thì gác bút, chìa ngón cái tay phải nhăn nhó: “Dập
đã mấy tháng rồi mà không hồi nổi. Liệu viết đi. Ấy, khoan đã... ”
Lại phải chạy đi mua thẻ hương. Bắt đầu một “nghề” mới, cách kiếm
ăn mới, không cầu khấn mấy câu thì thần thánh nào ban cho cái may. Đoạn
mào đầu không thiêng liêng lắm nhưng không đến nỗi báng bổ, vì Liệu
chợt nghĩ đến đền Ngọc Sơn ngoài Hà Nội. Cụ Nguyễn Siêu viết “Tả
Thanh Thiên” lên Tháp Bút là muốn tỏ ước vọng vòi vọi “viết lên trời
xanh” của kẻ sĩ, mình cũng có ước vọng đấy chứ.
- Viết chữ gì bây giờ, thầy ơi. - Liệu cất tiếng.
- Thì cứ những câu thông thường ấy thôi. Không cần cao thâm làm gì.
Tống cựu tà ma ra khỏi cửa