Cũng may ông Bùi đứng ngoài đỡ hộ: “Xin ông thông cảm. Thư pháp
không phải không biết. Nhưng gia đình chúng tôi có một lời nguyền từ tổ
tiên để lại là không viết đại tự bán, chỉ làm từng đôi nhỏ thế này, chơi cho
vui. Các vị cho bao nhiêu cũng được... ”.
- Thế thì tôi đành chịu. - Ông khách trả tiền đôi câu đối nhỏ rồi bỏ đi.
Từ sáng đến trưa không bán thêm được đôi nào. Người người cứ tụ rồi
lại tán, có khi chê gàn, có khi khen chân Nho giữ đạo nhà. Rồi cuốn chiếu
thu “nghiên”, rửa bút lủi thủi về. Đau nhất là ông Bùi, rất thạo đại tự mà
không múa bút được vì cái ngón tay chết tiệt. Liệu đau xót nghĩ đến cha,
anh, giận mình chê cánh bần Nho bán chữ giờ mất cơ kiếm ăn. Mấy xu đôi
câu đối chả đủ tiền giấy mực, đúng là chó cắn áo rách.
Về đến nhà, thì những miệng đang chờ. Cụ Võ Hoành nghỉ hàng, Tết
không ai bốc thuốc. Liệu tần ngần rồi dứt khoát bảo ông Bùi:
- Thầy ơi, em phải đi thôi!
Tầu thủy Sa Đéc - Mỹ Tho trống hoác như dạ dầy người khách ngồi
gần buồng máy cho ấm. Người bán vé đến, Liệu phải vật nài mãi mới bán
lại được chiếc đồng hồ ông Bùi cho làm kỉ vật được ba đồng bạc, đủ tiền về
Mỹ Tho rồi bắt xe lửa về Sài Gòn. Tiếc lắm. Nhưng phải độ thân trước đã.
Sài Gòn sáng rực. Pháo nổ đì đẹt, người đi lại sao mà diện, mà đẹp,
trong khi mình chỉ cốt ấm. May ông chủ nhà 80 đường Bonard rất tốt, đón
khách vào nhà. Không gian có mùi nhang, cành mai trong lục bình làm vợi
nỗi cám cảnh trong lòng người xa nhà. Nhưng lại ốm mới chết. Tê phù,
chân tay liệt như không phải của mình. Phong tê thấp, cái chứng quái ác
người Bắc hay mắc khi vô Nam đã hỏi thăm đến Liệu. Anh không thể ngồi
dậy, người múp míp như túi nước, ấn tay vào nhũn nhùn nhùn. Và hôi thối
vì không thể ngồi dậy đi vệ sinh. Cũng may hàng ngày có người dọn dẹp,
lau chùi hộ, chứ không thì căn gác bị lầm tưởng là cái nhà cầu không ai