CÕI NGƯỜI
Trần Chiến
www.dtv-ebook.com
Giết Báo
Lại “nghỉ phép” bất đắc dĩ. Lang thang chõ mũi vào các sạp báo. Thấy
có sự kiện gì chực đưa tin với bình luận, rồi sực tỉnh ra là mình chả có quái
gì trong tay. Và mồm miệng thì đậy lại, treo lên. Không thể kéo dài được.
Và cũng không thể quay về phố Bonard cầm kim khâu nữa. Liệu không
phải là một người “cần mẫn”, dù là để nuôi gia đình. Chỉ có làm nghề chữ
nghĩa anh mới có chỗ “thả” chí hướng của mình ra. Vả, tiền nong nó đem
lại, dù chả dư dật, vẫn đỡ hẻo hơn phần anh thợ tập việc. Mà Liệu đang cần
tiền ghê gớm. Tý đã vào Sài Gòn với chồng, để lại ở quê hai nấm mộ Mo,
Mẹt. Cu Goòng, sau này đặt là Trần Huy Diễm - sắp ra đời, phải đón cháu
Ái vào trông. Nhà mấy miệng ăn trông cả vào những bài báo gửi lay lắt, bị
đục bỏ nhiều hơn được đăng.
Liệu về đầu quân lại cho ông Trần Quang Nghiêm, cầm tờ Pháp - Việt
nhất gia. Nghiêm không có chủ trương chính trị hay xã hội gì rõ rệt. Công
việc làm ăn, chăm lo cho đồn điền cao su chiếm nhiều thì giờ, ông phó mặc
tòa soạn cho “mấy thằng có nghề”. Liệu và cộng sự được tự do lựa chọn,
bố trí bài vở. Tờ báo tiếp tục giọng cũ của những “Đẩu Nam”, “Côi Vị”,
“Nam Kiều”, đương đầu với cánh Lập hiến có xu hướng thoả hiệp với thực
dân. Sau số kỉ niệm một năm ngày cụ Phan Chu Trinh mất, Pháp - Việt nhất
gia lại làm làng báo thuộc địa loạn xà ngầu. Những viên quan nhũng,
những tây đầm khinh khi người ta, những sắc thuế vô lý bị chỉ trích. Trong
xa lông, những đôi mông tròn trịa nẩy tưng lên, điện qua lại tới tấp. Phải có
ai đó chịu trách nhiệm!
Cuối tháng tư năm 1926, quản lý Lê Thành Lư hộc tốc về tòa soạn.
“Ông Nghiêm đòi lại báo để làm cơ quan ngôn luận cho đạo Cao Đài”.