Tin quá sét đánh làm Liệu bàng hoàng. Bọn Lập hiến, bọn tham quan
không bị chửi nữa, tha hồ vỗ tay đây. Anh trầm ngâm rồi bật thốt lên: “Hay
mình giết tờ báo đi. Đừng để nó sống nhục. Với lại cái tên “Pháp - Việt
nhất gia” cũng nên chôn nó đi”.
Kể thì việc định đoạt có đôi chút ngần ngừ. Trần Quang Nghiêm là
chỗ Liệu mang ơn, đổi phận học việc cho anh sang chỗ đắc địa là trường
văn trận bút. Kiếm được tiền, có chút danh phận, là phải nhớ đến ông ta rồi.
Nhưng còn những yêu ghét của mình, vì cái ân ấy mà tháo đổ đi đâu được.
Làm báo mà không đem cái lý tưởng xã hội của mình vào thì hóa ra công
chức ăn lương a, chưa kể làm bồi bút...
Đêm cuối tháng tư, đương giao mùa, là lúc Liệu viết như chưa bao giờ
được viết. Những bài “đinh” trên bốn trang báo đều của anh, chỉ chèn vào
vài chuyên mục nhỏ. Hoàn toàn tự do. Nói thẳng, nói hết, không phải tìm
câu chữ để nguỵ trang cho ý tưởng nữa. Nghĩ đến những trang báo bị kiểm
duyệt gạch xanh đỏ chằng chịt, Liệu trút hết hận ra. Đầu tiên, là chửi chính
cái chủ trương Pháp - Việt nhất gia mà tờ báo mang tên. Những bài sau
vạch tội nhà băng Đông Dương và chế độ thuộc địa. Thứ tự do ngôn luận
trá hình, thực chất là bóp nghẹt báo chí, mị dân, bị vạch trần ở loạt bài
khác.
“Mài óc” suốt đêm, cho Lê Thành Lư chép lại, xong đốt hết bản thảo.
Tảng sáng thì xong, mệt và đói đến bã người. May có tiếng rao ngoài
đường, Liệu và Lư vừa ăn vừa nói chuyện “giết báo” làm ông sực tắc khó
hiểu quá.
Pháp - Việt nhất gia số cuối ra một vạn số, in luôn một lúc chứ không
chạy thử máy nữa. Sáng ra, khi sở Kiểm duyệt dòm ngó đến thì từng chồng
báo từ nhà in đã ra đến ngoại thành để tràn về Lục tỉnh. Nhân viên sở đang
cặm cụi gạch xanh đỏ lên tờ báo duyệt thì ngoài phố đã như có đám cháy.
Khắp Sài Gòn - Chợ Lớn, sen đầm, cảnh sát được huy động đến tận các
xóm nghèo.