ngay cửa, “nhả ngọc phun châu” trong tiếng máy rầm rập. Thỉnh thoảng, lại
đứng lên lễ phép tiếp những anh Chà Và, sét ty được chủ phái đến đòi nợ,
kí biên nhận vào sổ, nói rằng Nguyễn Kim Đính đi vắng. Ông chủ báo trốn
trên gác cũng cặm cụi cày. Buổi trưa hai quan báo đánh chung hào phở,
múa bút sang chiều thì đầu trống rỗng, chân tay rã, cảm giác đói cũng bay
đâu.
Nhưng tối đến thì rất sênh sang. Liệu và Đính được xe hơi đón về ngôi
nhà to đoành của ông B. H. ở Gia Định, ngủ nghỉ phòng riêng, tán gẫu nơi
phòng khách và đi dạo trong vườn hoa được chăm sóc cẩn thận.
Đông Pháp thời báo bị kiện. Tòa kết tội “phỉ báng cá nhân”, phải bồi
thường danh dự mười vạn đồng. Viết đúng sự thực cả, có điều “cá nhân” đó
có cả tiền lẫn thế lực để làm lệch cán cân công lý. Những chủ nợ khác nghe
phán quyết lao đến tòa đưa đơn kiện theo kẻo mất phần nếu báo bị tịch thu
tài sản. Nguy cơ trắng tay khiến Nguyễn Kim Đính sụp đổ. Còn Liệu, ăn
lương chủ bút, tiếp tục bao thầu bài vở, lo cho đến ngày sập tiệm hẳn.
Có ai ngờ lối thoát lại đến từ một cuộc cãi vã trên phố Catinat. Cô giáo
nọ vào hiệu Bom - bay mua vải, xảy chuyện to tiếng rồi xô xát với chủ hiệu
người Ấn. Báo chí Sài Gòn bắt được thổi to lên, có bình luận và biếm hoạ
đi kèm. Phong trào tẩy chay hàng Bom - bay nổi lên trong toàn thành phố,
nhất là đám thanh niên. Người ta quay lại với bông, đũi nội hóa làm khách
thương Ấn Độ mếu dở.
Cái thủ thuật của Đông Pháp thời báo dựa trên sự tinh quái nghề
nghiệp hơn là chính kiến xã hội. Khi các báo nói xuôi mà mình nói ngược
một tý - hơi hơi thôi, chứ ngược hẳn đâm vô lý - thì dễ được độc giả để ý.
Cũng cổ động tẩy chay Bom - bay, khuyến khích lòng căm phẫn của đồng
bào, Đông Pháp thời báo đưa ra lập luận khác: không chấn hưng sản xuất
trong nước thì hàng nội sao thay thế được hàng ngoại. Cuộc tẩy chay như
lửa rơm, mấy ngày đã tàn, người ta mới để ý đến cái sự hơi hơi ngược trên.
Ừ nhỉ, nếu bông cứ sùi, đũi cứ rút chỉ, lại bán đắt, thì cạnh tranh hàng Bom