- bay thế quái nào được. Đông Pháp thời báo thế mà tỉnh táo, cao kiến. Đội
ngũ kí giả của họ chắc phải lọc lõi lắm mới dám “nói nghiêng” thế chứ.
Đồng nghiệp cười trừ, độc giả ủng hộ, số phát hành lại tăng vọt.
Qua khỏi cửa tử, nhưng làm thế nào để sống mạnh mẽ mới thật khó.
Tính mãi, tòa soạn quyết định leo dây, “chơi” đồng nghiệp. Nước cờ oái
oăm này bắt đầu từ nhận xét về sự khập khiễng, quê mùa trong giọng điệu
những tờ Lục tỉnh tân văn, Trung lập... Tuy là cái nôi của báo chí Việt
Nam, được hưởng quy chế nghề nghiệp của thuộc địa, nghĩa là thông
thoáng hơn hẳn ngoài Bắc, nhưng Nam Kỳ lại có mặt bằng báo chí lộn xộn
kinh khủng. Những vị “chánh chủ bút” cỡ Lương Khắc Ninh, Trương Duy
Toản, Lê Hoằng Mưu của các tờ trên đều xuất thân thầy tuồng, thầy cải
lương, học hành rất không hệ thống. Tính thời sự rất ít, báo của họ có
những mục buồn cười: tóm lược tiểu thuyết tình ái, trinh thám, tường thuật
đưa đón “quý quan”, các cuộc thi xe đạp, thi sắc đẹp. Lổn nhổn nhất là
những bài giải thích Tam Quốc Chí, Tây Du hay “Càn Long du Giang
Nam”, nó cũ kĩ, ngô nghê không thể tả. Trí thức Tây học, những kẻ sĩ từ xứ
Bắc, đàng Trung vô đều coi thường, ít khi đọc loại báo này.
Đông Pháp thời báo mọc ra mục “Phê bình văn chương các báo”. Lời
mào đầu rất khiêm nhường. Rằng mục đích chỉ nhằm nhặt cỏ trong vườn
đồng nghiệp. Rằng, đã của đồng nghiệp thì thái độ nhặt sẽ rất xây dựng,
thân ái. Nhưng mới được có mấy số, thiên hạ biết ngay những ông chủ bút
Trung lập với Lục tỉnh tân văn ngồi phải tổ kiến lửa rồi. Phát hiện rất nhanh
những sai quấy ngô nghê, Liệu châm thêm những lời bình, câu văn vần
thâm thuý. Thầy tuồng, thầy cải lương bị chơi tìm cách chửi lại, càng phô
ra sự kém cỏi. Làng báo rộn rạo, anh này vui vẻ tán thưởng, anh kia hậm
hực ngậm bồ hòn, chỉ làm số phát hành của Đông Pháp thời báo tăng nhanh
hơn, còn Liệu thì như gặp lại ông khóa Cảo ở quê dạo nào.
Nhưng sức mạnh của một tờ báo căn bản phải dựa trên ý kiến chính trị
- xã hội của nó. Trong hai năm 1925 - 1926, có bao nhiêu sự kiện động trời