lên: "Ông gấu! Này, ông gấu! ông cứ liệu sẵn để tui lộn ông trong ra ngoài,
bởi vì rành là ông không có làm đau mẹ tui được đâu".
Thỉnh thoảng, khi không có gì khác hấp dẫn Joóc trong lều, thằng bé
sáu tuổi hiếu động ấy bèn nằm dài ra trước lò sưởi. Lấy một cái que bằng
ngón tay, vót nhọn một đầu, rồi hơ vào lửa cho cháy đen thành một thứ bút
chì, nó vẽ những hình người hoặc thú vật trên một tấm gỗ thông trắng. Mỗi
lần nó làm thế, Kitzi gần như nín thở, sợ là sau đó Joóc lại muốn học viết
hay học đọc. Nhưng xem ra ý nghĩ đó không hề đến với nó, và Kitzi rất
thận trọng không bao giờ nhắc đến chuyện viết hay đọc, điều mà cô cảm
thấy đã vĩnh viễn đóng sẹo trên đời mình. Trên thực tế, trong tất cả những
năm Kitzi ở đồn điền Liơ, cô chưa lần nào cầm một cái bút mực hay bút
chì, một quyển sách hay một tờ báo, cũng như chưa hề nói với ai rằng cô đã
từng biết đọc biết viết. Mỗi lần nghĩ đến điều đó, cô lại tự hỏi liệu mình còn
đọc, viết được nữa không, nếu vì lý do nào đó, cô cần đến khả năng ấy. Rồi
cô lại nhẩm đánh vần trong đầu một số từ mà cô cảm thấy mình còn nhớ
chính xác, và, cố gắng tập trung cao độ, cô thử hình dung những từ ấy khi
viết ra sẽ như thế nào. Đôi khi cô thèm viết thử nhưng cô vẫn giữ lời
nguyện ước với chính mình là sẽ không bao giờ viết nữa.
Còn da diết hơn nhiều so với nỗi nhớ thèm được viết hoặc đọc, Kitzi
cảm thấy vắng thiếu tin tức về những điều xảy ra trên thế giới bên ngoài
đồn điền. Cô nhớ lại bố mình thường kể những điều tai nghe mắt thấy mỗi
lần trở về từ một chuyến đi cùng với mexừ Uolơ. Nhưng bất cứ tin gì bên
ngoài đều hầu như là của hiếm ở cái đồn điền nhỏ và cách biệt này, ở đó
ông chủ tự mình đánh xe lấy. Xóm nô chỉ phát hiện ra những gì đang diễn
biến bên ngoài khi ông chủ, bà chủ Liơ mời khách đến ăn tiệc - đôi khi
hàng mấy tháng mới có một lần. Trong một bữa tiệc như vậy vào một chiều
chủ nhật năm 1812, Malizi từ trên đại sảnh chạy xuống: "Bi giờ họ đang ăn
và tui phải mau chóng trở lại ngay, cơ mà trong í họ đang nói chuyện có
cuộc chiến tranh mới đã bắt đầu mấy cái nước Anh nọ! Hình dư là nước
Anh đang chở hàng tầu lính sang đây đánh ta!"