Ban đầu tôi còn phản ứng lại như vậy, càng về sau càng phiền phức, cuối
cùng, tôi nghĩ thật sự quá lố bịch. Giờ cứ nhác thấy bóng Shoko là tôi sẽ
chạy biến luôn.
Nơi lánh nạn an toàn nhất là phòng mỹ thuật. Kỳ lạ thật, chỉ khi tôi vẽ
tranh là Shoko không đến làm phiền. Con bé thường giữ một khoảng cách
nhất định, chăm chú nhìn khung vẽ, không gây bất kỳ tiếng động nào. Có lẽ
đối với những người yêu hội họa, phòng mỹ thuật giống một thánh địa
chăng?
Ừm, nói ra thì hơi xấu hổ, nhưng sau đó, tôi tiếp tục lui tới phòng mỹ
thuật.
Dù gì tôi cũng là một người rảnh rỗi, sau giờ học về thẳng nhà cũng
chẳng có gì để làm. Về sớm lại phải giáp mặt với gia đình đó, chỉ tổ chuốc
bực vào thân, thà nán lại trường một lúc còn tốt hơn gấp trăm lần.
Tôi cũng hay để ý đến Kuwabara Hiroka. Nói chung, giống như Makoto,
mỗi lần Hiroka cất tiếng là tôi lại nín thở chờ đợi. Tôi biết rất rõ bản thân
không thích thú gì Hiroka, và cũng thừa biết cô ta là một trong những người
đã làm Makoto đau khổ, nhưng ở Hiroka vẫn toát ra một lực hút khó cưỡng.
Điều gì đó đã khiến tôi có những ý nghĩ kỳ quặc, rằng tôi muốn nghe
Hiroka tiếp tục kể những câu chuyện nhạt nhẽo bằng giọng điệu lạ lùng của
cô ta, rằng tôi muốn là người đàn ông trung niên kia...
Thế nhưng sau tất cả, lý do lớn nhất mà tôi hay lui tới phòng mỹ thuật
chỉ đơn thuần là vì tôi có hứng thú với việc vẽ vời.
Tôi định sẽ bỏ công chăm chút và hoàn thành bức tranh màu xanh ấy.
Không biết có phải nhờ cơ thể này từng thuộc về Makoto hay không mà tôi
quen với bộ màu dầu ngay lập tức và tiến bộ nhanh chóng. Ngoài việc lĩnh
hội cả kỹ thuật vẽ của Makoto, tôi còn có cam giác đang từng bước lấy lại
thứ gì đó mình từng sở hữu trong quá khứ.