Cũng trong vấn đề này, tôi xin kể bạn nghe trường hợp tôi tư vấn cho
một người cha có vấn đề với đứa con. Người cha than phiền rằng con trai
mình tính tình thô lỗ và không biết lễ phép với người lớn.
“Nó không bao
giờ biết nói từ “làm ơn” hay “cám ơn”. Nói mấy từ đó quá khó với nó hay
sao?”.
Nhưng khi buổi tư vấn kết thúc, người cha đứng lên về thẳng mà
không nói với tôi lấy một tiếng cảm ơn.
Tôi chắc bạn đã nghe chuyện ngụ ngôn về một cậu bé một hôm hì hục
ngồi đẽo một cái máng giống như máng cho heo ăn. Người cha thấy vậy hỏi
con đang làm gì thì nó trả lời:
“Con đóng cái này đến khi cha già, con đổ
cơm vào cho cha ăn”.
Thì ra người cha này cho bố của mình là ông nội của
nó ăn bằng bát gỗ vì sợ ông đánh vỡ bát sứ! Thật vậy, con cái học cách đối
đãi với cha mẹ và những người khác qua những gì mà chúng tận mắt chứng
kiến từ cha mẹ. Chúng cũng lặp lại một cách vô thức cách mà cha mẹ đối
xử với hàng xóm, họ hàng, đồng nghiệp, nhân viên cấp dưới và thậm chí
người giúp việc. Cho nên, bạn không thể dạy con sống chân thành khi bản
thân mình thì đi nói xấu ông hàng xóm sau lưng. Đó là lý do tại sao những
bậc cha mẹ thành công nhận ra rằng họ phải là tấm gương cho con cái noi
theo. Nếu muốn con cái trở thành người lịch sự, biết điều, lạc quan, có
quyết tâm cao và ý chí tiến thủ, họ phải biểu hiện những phẩm chất này rõ
nét nhất.
Hãy mang đến cho con cơ hội sửa mình bằng cách làm gương cho
chúng. Ví dụ, nếu bạn muốn dạy con làm chủ cảm xúc, bao giờ bạn cũng
phải biết kiềm chế những cơn nóng giận, nhất là khi bạn ở trong một tình
huống dễ dàng mất tự chủ. Một khi con bạn chứng kiến bạn làm chủ được
bản thân và hoàn cảnh một cách hiệu quả thì đến khi rơi vào một tình huống
tương tự, chúng có thể dựa theo khuôn mẫu đó mà xử sự.
QUAN NIỆM THỨ NĂM: KHÔNG CÓ THẤT BẠI, CHỈ CÓ
THÔNG TIN PHẢN HỒI