Sau đó tôi bồi thêm,
“Jonathon à, thầy muốn nhờ em giúp thầy một
việc”
. Jonathon vẫn chưa hết kinh ngạc, có lẽ cậu đang tự hỏi một nhà huấn
luyện nổi tiếng mà cũng có việc phải nhờ tới cậu giúp hay sao. Thế là tôi
thành thật bảo rằng, để có thể chia sẻ kiến thức và hiểu biết của tôi cho các
bạn trẻ trong lớp, tôi cần tất cả tập trung vào bài học.
“Thầy biết rằng các
bạn ấy sẽ không nghe thầy khi thầy nhắc nhở giữ trật tự, nhưng các bạn ấy
lại chịu nghe em vì chúng thật sự tôn trọng em. Em có nghĩ là mình có thể
nhắc nhở các bạn tập trung hơn không? Thầy cần em giúp đỡ”
.
Việc làm của tôi đã làm cho cậu học trò ngỗ ngược cảm thấy tự hào về
bản thân (có tài lãnh đạo, được bạn bè tôn trọng) và có cảm giác mắc nợ tôi
(được chính thầy mời đi uống nước như người lớn cơ mà). Thế là cậu trả lời
“Em sẽ cố hết sức”
. Không còn phải nghi ngờ gì nữa, khi buổi học tiếp tục,
cái nhóm ồn ào của cậu ngồi im như thóc. Tôi liếc thấy khi có ai nói
chuyện, cậu còn nhắc nhở người đó giữ im lặng.
Tại sao cách xử lý của tôi lại ứng nghiệm đến vậy? Đa số người thầy
trong trường hợp ấy thường sẽ làm ngược lại, họ ra oai quát mắng những
đứa trẻ gây nhiễu loạn trong lớp học. Việc mắng mỏ công khai thường chỉ
tạo ra sự chống đối ngấm ngầm hoặc lộ liễu, thậm chí cả hành vi nổi loạn
của những học sinh cá biệt. Tôi thì lại làm cho cậu ta oai phong lẫm liệt,
được thầy giáo công nhận phẩm chất lãnh đạo và cần đến sự giúp đỡ cơ mà.
Thế là tôi “điểm trúng huyệt” cu cậu và Jonathon trở thành một học sinh
gương mẫu.
Từ một thiếu niên phạm pháp thành một trợ lý huấn luyện viên
xuất sắc
Cho phép tôi kể bạn nghe một ví dụ còn có sức thuyết phục hơn về việc
cha mẹ hay giáo viên có thể kích hoạt những “nút bấm cảm xúc” của thiếu
niên và giải phóng tiềm năng của chúng như thế nào. Có lần tôi đã thực