dịch để giải quyết mọi vấn đề, chúng ta có thể linh hoạt vận dụng các
phương thức khác nhau cho những đối tượng tiếp nhận khác nhau, vào
những thời điểm khác nhau, miễn sao đạt được kết quả tốt nhất.
Khi con cái chúng ta từ lúc bập bẹ biết nói đến lúc chín mười tuổi,
chúng cần được sự chỉ bảo khôn ngoan và sát sao của bạn để phân biệt được
phải trái, đúng sai và dần dần độc lập hơn trong việc đưa ra những lựa chọn
và quyết định của mình. Trong giai đoạn ấy bạn có thể phát huy vai trò của
Sếp Lúc Nào Cũng Đúng. Đứa trẻ lên ba cần bạn dạy cho biết rằng, không
được thò tay vào ổ cắm điện, không được cho bất cứ vật gì vào miệng,
không được vứt đồ chơi lung tung. Lớn lên một chút, khi trẻ đã có cách
nhìn nhận riêng của mình về thế giới, bạn có thể trở thành Sếp Thấu Tình
Đạt Lý để chuyển hóa nhận thức của chúng. Bởi vì ở tuổi teen, trẻ không
còn nghĩ cha mẹ mình bao giờ cũng đúng nữa.
Đó là lúc chúng bắt đầu đặt ra câu hỏi “tại sao” cho rất nhiều việc mà
trước đó chúng mặc nhiên cho là đúng và đến lượt mình, chúng bắt đầu
muốn đưa ra quyết định riêng. Chỉ khi nào chúng cảm thấy bạn đúng, chúng
mới toàn tâm toàn ý nghe theo và lúc ấy bạn mới mong con cái có một sự
chuyển mình thật sự.
CÓ MỘT Ý ĐỊNH TỐT ĐẸP TRONG MỖI VIỆC LÀM CHƯA
TỐT CỦA TRẺ
Khi áp dụng các biện pháp kỷ luật với trẻ, có một điều cơ bản mà bạn
cần ghi nhớ là mỗi một việc mà con bạn làm đều có thể xuất phát từ một ý
định tốt đẹp hoặc một nguyên cớ nào đó không hẳn là xấu. Khi con trẻ có
một hành vi bất thường, chúng thường có lý do để làm việc đó. Nếu nóng
vội đưa ra kết luận, bạn có thể không thấy được nguyên do tốt đẹp ẩn sau
một việc làm sai trái nào đó.