không ý thức được điều đó. Những quan niệm này của cha mẹ đóng một vai
trò hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là vai trò quyết định, trong việc
định hướng nhận thức và cung cách mà chúng ta đối xử với con trẻ. Một số
người có quan niệm “cha mẹ bao giờ cũng đúng”, thế mới có câu “Cá
không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Trong khi đó,
những người khác lại có quan niệm bình đẳng giữa “cho và nhận”, đồng
thời cho phép con cái có cơ hội được đối thoại hoặc thương lượng các vấn
đề với họ.
Sau một thời gian dài làm công tác đào tạo, chúng tôi ghi nhận rằng, rõ
ràng có mối liên hệ nhân quả và logic giữa những đứa trẻ có thái độ và hành
vi tốt với cách thức mà cha mẹ chúng giao tiếp với con cái. Và chắc hẳn,
cha mẹ của những đứa trẻ chưa ngoan, học hành chưa giỏi cũng có cách
thức đối xử và giao tiếp như thế nào đó với con cái họ.
Điều này có nghĩa là những đứa con ngoan trò giỏi không phải tự nhiên
mà có. Phát hiện này đối với các bậc cha mẹ là một tin tốt lành: bằng cách
theo gương và áp dụng những phương pháp hiệu quả của những bậc cha mẹ
thành công trong nuôi dạy con cái, chúng ta có thể tạo ra những ảnh hưởng
tốt đối với cách hành xử của con trẻ. Và cho dù lúc này con bạn có biểu
hiện xấu đến mức nào đi nữa, thì chỉ cần thay đổi cách thức đối xử của ta
với chúng là ta sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn.
Do vậy, nếu muốn con cái thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, có hành vi
và thái độ tích cực hơn, bản thân chúng ta hãy thay đổi mình trước bằng
cách học hỏi và áp dụng quan niệm của các bậc cha mẹ thành công. Đó là
những quan niệm như thế nào? Qua nhiều năm quan sát, tìm hiểu và khám
phá, chúng tôi đã đúc kết bảy quan niệm chính của những bậc cha mẹ tuyệt
vời này.