QUAN NIỆM THỨ NHẤT: CON CÁI CÓ CÁCH NHÌN NHẬN
MỌI VIỆC KHÁC CHA MẸ
Chúng ta cần phải hiểu và thừa nhận rằng thế hệ sau có những nhận
thức và quan niệm về thế giới không đồng nhất với chúng ta, cả ngôn ngữ
mà chúng sử dụng cũng không giống hoàn toàn. Cái cách mà trẻ nhìn nhận
về cuộc đời có nhiều điểm khác biệt với cách nhìn nhận của người lớn.
Điều này hoàn toàn khoa học. Nếu Đức Phật dạy rằng thế gian vô thường,
nghĩa là mọi vật luôn biến đổi thì từ rất lâu Socrates đã nói, “Không ai tắm
hai lần trong một dòng sông”. Vì vậy, bạn không thể bắt buộc một người ra
đời sau bạn 20-30 năm lại có cách nghĩ y hệt như bạn. Thế mới có chuyện,
bạn cho rằng mình muốn tốt cho con mới khuyên con nên ít chơi game mà
tập trung vào học, thì nó lại nghĩ bạn đang rầy la áp đặt nó. Hoặc khi bạn
hỏi han giờ giấc của con bạn, thì nó cho là bạn chỉ muốn điều khiển cuộc
đời nó.
Cho phép tôi nêu một ví dụ đơn giản chứng minh rằng những người
khác nhau có nhận thức khác nhau về một vật như thế nào. Bạn hãy nhắm
mắt lại và nghĩ đến một chiếc ghế. Bạn đang nghĩ đến chiếc ghế nào vậy?
Trong những khóa đào tạo, bất cứ khi nào đặt ra câu hỏi này, chúng tôi đều
nhận được hàng tá các câu trả lời khác nhau. Người hình dung trong đầu
chiếc ghế sắt, kẻ thấy chiếc ghế đẩu bằng gỗ, rồi xích đu, ghế gấp, ghế
bành, ghế sa lông, ghế nhựa thậm chí cả chiếc ghế mát-xa.
Thí nghiệm đơn giản này cho chúng ta biết điều gì. Nếu một vật cụ thể
như chiếc ghế mà còn tạo ra những hình ảnh khác nhau trong những cái đầu
khác nhau, thì những khái niệm trừu tượng như “tình yêu thương”, “trách
nhiệm” hay “thành công” còn khác nhau đến mức nào. Đó là lý do tại sao
bao giờ cũng tồn tại một độ vênh trong suy nghĩ của cha mẹ và con cái về
cùng một đối tượng. Chẳng hạn bạn nghĩ, khi con mình phạm lỗi, trừng
phạt nó tức là yêu thương nó, đưa nó về con đường sáng. Nhưng con bạn