Câu nói của Quỳnh chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào ngực tôi . Tôi cố kìm cơn giận
dữ cay đắng đang chực bùng lên và nói bằng giọng nhẹ nhàng :
- Em đang vội thì thôi ! Để hôm khác !
Thực ra cho đến lúc này, tôi không tin vào cái hôm khác đó lắm. Sau lần gặp Quỳnh
ngoài đầu hẻm, vừa tự ái vừa chán nản tôi đã muốn buông xuôi . Nhưng rồi nỗi day dứt của
tình yêu thôi thúc tôi phải gặp Quỳnh, phải nói cho cô bé biết nỗi khổ tâm của tôi và tìm
hiểu lý do nào đã khiến Quỳnh đối xử với tôi như vậy .
Lần này, suốt một tuần tôi "phục kích" đối phương trên gác.
Đến một hôm, quan sát qua lỗ thủng của bức vách, tôi thấy Quỳnh đang ngồi đọc sách
trên bàn. Tôi liền chạy qua . Nhưng tấm cửa lưới đã khoá bên trong. Tôi gọi cửa .
Mẹ Quỳnh bước ra :
- Đi đâu đây cháu ?
Trước nay, tôi qua chơi bên Quỳnh là chuyện tự nhiên, chẳng bao giờ mẹ Quỳnh lại hỏi
tôi một câu khách khí như vậy . Tuy nhiên, tôi vẫn lễ phép đáp :
- Cháu đi tìm Quỳnh !
Mẹ Quỳnh mở cửa :
- Cháu vô chơi ! Nhưng Quỳnh không có nhà ! Nó đi đâu từ trưa tới giờ !
Không có Quỳnh thì tôi vô chơi với ai ? Nhưng rõ ràng Quỳnh mới ngồi đây kia mà ! Tôi
bước vô nhà và đảo mắt nhìn quanh. Quả nhiên, Quỳnh "đi vắng". Tài thật !
Tôi đoán cô bé chắc lại trốn trên gác. Nhưng chẳng lẽ tôi lại nói toẹt ra điều đó ? Tôi
đành tảng lờ ngồi nói chuyện với mẹ Quỳnh vài câu gượng gaọ rồi lủi thủi ra về.
Qua sự kiện đó, tôi chua xót nhận ra rằng ngay mẹ Quỳnh cũng đồng tình với thái độ
lạnh nhạt mà Quỳnh dành cho tôi, thậm chí đồng tình một cách quá sốt sắng.
Tôi vốn là người hời hợt, vô tâm nhưng từ hôm đó tôi bắt đầu để ý đến cách đối xử của
gia đình bác Tám đối với tôi . Chẳng bao lâu, tôi buồn bã hiểu rằng tình cảm mọi người quả
nhiên đổi khác mặc dù điều đó rất khó nhận ra . Trừ thằng Tạo còn bé, còn mọi người dù
vẫn cười nói, vẫn vui vẻ, thậm chí vẫn tốt bụng với tôi nhưng không khí thân mật, gần gũi