Các nhà khoa học khám phá ra thiệt hại tiềm năng lớn nhất là một hiện
tượng mà họ gọi là “mất dinh dưỡng”. Sau mỗi đợt phun thuốc, các rừng cây
lá ba tán bị rụng lá gần hết, đất rừng trở nên bão hòa với sự phân hủy chất,
và sẽ không thể hấp thụ những chất dinh dưỡng từ lá cây như khi chúng
rụng ở tỉ lệ thông thường nữa. Ở các khu rừng trong vùng gió mùa, lượng
nước mưa sẽ tạo ra các dòng chảy, cuốn cách chất dinh dưỡng từ đất đi và
gây ra xói mòn, do đó, cây cối khó ra lá, các loài động vật phụ thuộc vào
thực vật xung quanh cũng gặp tình trạng tương tự.
Nhờ báo cáo của HAC, các kênh truyền thông quan tâm hơn tới thuốc diệt
cỏ. Hoạt động phản đối chiến dịch Ranch Hand vốn xuất hiện ngay khi
chương trình này bắt đầu nay tập trung vào những điều mập mờ và đòi hỏi
một sự giải thích rõ ràng.
Bởi quân đội Mỹ không công khai các hoạt động của mình để các tổ chức
và cá nhân có thể độc lập xem xét, nên các nhà phản chiến, những người
bình thường và các nhà khoa học tuy lo lắng nhưng nỗi lo đó dựa trên suy
đoán và giả định chứ không phải những nguy cơ đã được khẳng định. Nay
báo cáo của HAC giúp họ thêm tự tin.. Một phóng viên khoa học của tờ
“Boston toàn cầu” gọi Ranch Hand - ngay cả khi nó đã giảm quy mô - là
“sức mạnh tàn phá bất trị”. Một phóng viên khác của tờ “Thời báo Luân
Đôn” lại gọi các đợt phun thuốc diệt cỏ là “cơn mưa hủy diệt”. Nhà bình
luận chuyên đề của “Thời báo Luân Đôn” Anthony Lewis đã chỉ trích những
khẳng định của Lầu Năm Góc khi khẳng định những lợi ích kinh tế mà chiến
tranh diệt cỏ mang lại. Anthony coi đây là những xác nhận “bất cần đạo lý
và hoàn toàn sai sự thật”. Một nhóm các giáo sư và sinh viên ngành sinh vật
học tại Stanford còn coi chiến tranh diệt cỏ như một “sự tàn phá Đông
Dương”. Các bức ảnh do HAC chụp từ trên không cho thấy quang cảnh các
khu rừng trước và sau đợt phun thuốc đã xuất hiện trên tờ “Washington
Post”, “Thời báo New York” và “Thời báo Los Angeles”. Đây là những
minh chứng cho những đặc tính đã nêu trên (hình 15).