giờ Makhnô đã xuất hiện và tuyên bố mở cuộc khủng bố. Trong các
làng mạc thôn ổ có tin đồn là dân vùng này đã tìm được một thủ lĩnh.
Nông dân vững dạ trở lại. Các dinh thự thi nhau bốc cháy. Những
đống thóc trên thảo nguyên cũng lần lượt bị thiêu ra tro. Những đội du
kích tấn công một cách xấc xược những chuyến tầu thủy và sà lan chở
lúa mì về Đức. Những cuộc dấy động lan sang hữu ngạn sông Đniepr.
Các đạo quân Đức và Áo được lệnh trấn áp ngay những vụ phiến loạn.
Hàng trăm đội tiễu phỉ được điều đi khắp xứ sở Ukrain. Lúc bấy giờ
Makhnô, với một đội quân ít ỏi nhưng vũ trang đầy đủ, liền chủ động
tấn công trước vào quân Áo.
Quân đội của thủ lĩnh Makhnô lúc bấy giờ chưa lấy gì làm lớn. Nòng
cốt thường xuyên không bao giờ tẩu tán - của nó gồm hai ba trăm tay
anh chị hết sức liều lĩnh. Ở đây có cả những lính thủy Hắc hải, cả
những thủ lĩnh nhỏ đã đem quân đến sáp nhập với Makhnô, cả những
người vô gia cư, đi đánh nhau chỉ vì thích mạo hiểm, thích sống một
cuộc đời thú vị.
Cũng vào thời kỳ ấy quân đội Makhnô bắt đầu thu nạp cả những tên
vô chính phủ hoạt động lẻ loi, gọi là những "chiến sĩ" đã được nghe
đồn về những toán cướp mới xuất hiện cưỡi ngựa rong ruổi tự do trên
thảo nguyên. Đi bộ đến đại bản doanh của Makhnô, đói và rách, túi áo
bên này đựng một quả bom, còn túi kia một cuốn Krôpôtkin, các "chiến
sĩ" nói với thủ lĩnh Makhnô:
- Chúng tôi nghe nói đâu anh là một cá nhân thiên tài. Hừm! Để xem
thử.
- Cứ xem đi, - Makhnô đáp.
- Được thôi, nếu anh quả đúng là người như thế, anh sẽ có tên trong
lịch sử thế giới. Biết đâu anh lại chẳng trở thành một Krôpôtkin thứ
hai?
- Có thể, - Makhnô đáp.