Tựa Của Dịch Giả
Đầu xuân năm nay, (1973), tôi được anh bạn thân trao cho cuốn THE
LAST UNICORN với lời giới thiệu trước rằng đây là một trong những best-
sellers hiện thời. Tôi vốn không tin cẩn những best-sellers nên cũng chỉ
hững hờ đọc mươi trang đầu, nhưng rồi kế đó tôi đọc miết mải và đọc kỹ.
Peter S. Beagle là một trong những tác giả Tây Phương hiếm hoi thấu hiểu
tinh thần Dịch lý âm trung chi dương, dương trung chi âm, và tinh thần phá
chấp, vô cầu cực kỳ thanh thoát của Thiền. Tôi dịch THE LAST UNICORN
với một tinh thần tri kỷ.
Hãy xin ghi chú rất nhanh quan điểm dịch của tôi. Tôi muốn tác phẩm
được thật gần gũi với độc giả Việt Nam, nên chủ trương dịch thật thoát
nghĩa. Rất nhiều khi tôi phải thêm lời vào cho tròn trịa ý của nguyên tác, và
cũng đôi khi tôi tước bỏ đi một vài ý nhỏ xét ra chỉ làm rườm lời tối nghĩa
với độc giả Việt Nam. Đặc biệt những bài thơ, những bài đồng dao trong
tác phẩm, hầu hết tôi chỉ giữ lấy ý chính, còn hoàn toàn sáng tác lại theo lời
Việt, tinh thần Việt. Tất cả những thay đổi nhào nặn nhỏ đó chỉ để phục vụ
nguyên tác, luôn luôn theo sát nguyên tác về ý, cũng như về giọng điệu.
Đặc biệt cách viết và trình bày đối thoại, tôi cố ý giữ đúng theo dáng dấp
nguyên bản, vì đó là nét đặc biệt của văn chương Anh ngữ mà tôi muốn
chúng ta làm quen dưới hình thức Việt ngữ.
Còn về nội dung CON KỲ LÂN CUỐI CÙNG - THE LAST UNICORN ra
sao đây? Tôi không dại gì tiết lộ trước tình tiết câu truyện ra đây để các độc
giả mất thú bất ngờ, chỉ xin ghi mấy cảm nghĩ nhân đọc và dịch CON KỲ
LÂN CUỐI CÙNG mà nẩy sinh. Những cảm nghĩ rất rời rạc, tôi cố ý vậy và
cũng chẳng thể nào khác hơn, nhưng khi các bạn đọc xong tác phẩm những
cảm nghĩ rời rạc đó sẽ kháp lại thành một hệ thống tô đậm mang nhiều ý
nghĩa hơn. Xin được tuần tự nêu như sau đây:
- Kỳ lân, lý tưởng chân thiện mỹ, nay với người đời chỉ còn là một huyền
thoại thôi hay sao? Có thực người đời ngày nay sa đọa đến nỗi không