“Sáu nơi, mỗi nơi ba mươi sáu hiệp sĩ, cộng lại là hai trăm mười sáu, tổng
các chữ số cộng lại bằng chín. Và bởi vì có sáu thế kỷ, chúng ta có thể nhân hai
trăm mười sáu cho sáu, kết quả là một nghìn hai trăm chín mươi sáu, tổng các
chữ số cộng lại bằng mười tám, hoặc ba lần sáu, hoặc 666.” Diotallevi có lẽ đã
tiếp tục dựa vào thần số học mà dựng lại cả lịch sử thế giới nếu Belbo không
ngăn anh ta lại bằng cái nhìn mà các bà mẹ thường ném về phía con cái khi chúng
phá bĩnh. Nhưng viên đại tá lập tức nhận ra Diotallevi là một bộ óc được khai
sáng.
“Tuyệt vời, giáo sư. Đó là một thiên khải! Nhân tiện, anh có biết rằng chín là
số hiệp sĩ đã lập ra dòng Đền ở Jerusalem không?”
“Và Đại Danh của Chúa, như được thể hiện trong Tetragrammaton,”
Diotallevi nói, “có bảy mươi hai chữ cái - và bảy cộng với hai bằng chín. Nhưng
chưa hết đâu, nếu bác cho phép. Thần số học Pythagore mà Kabbalah bảo tồn -
hoặc có lẽ là lấy cảm hứng - lưu ý rằng tổng của những số lẻ từ một đến bảy là
mười sáu, và tổng của những số chẵn từ hai tới tám là hai mươi, và hai mươi
cộng với mười sáu bằng ba mươi sáu.”
“Chúa ơi, giáo sư!” Viên đại tá mừng quýnh quáng. “Tôi biết mà, tôi biết
mà! Anh đã cho tôi can đảm để tiếp tục. Giờ tôi biết rằng tôi đã đến rất gần sự
thật.”
Diotallevi đã biến số học thành một tôn giáo hay tôn giáo thành số học? Có
lẽ cả hai. Hoặc có thể anh ta chỉ là kẻ vô thần bày trò cợt nhả với sự mê ly của
chốn thiên đường cao vời nào đấy. Đáng ra anh ta đã có thể thành một kẻ cuồng
bài rulet (và giá như vậy thì tốt hơn); thay vào đó, anh ta coi mình như một giáo
sĩ Do Thái hoài nghi.
Tôi không nhớ chính xác chuyện xảy ra như thế nào, nhưng Belbo xen vào
phá tan bầu không khí xuất thần với sự tinh tế theo phong cách Piemonte của anh
ta. Đại tá vẫn còn nhiều dòng trong bức mật thư cần giải thích và chúng tôi đều
nóng lòng muốn nghe. Lúc đó đã sáu giờ. Sáu giờ chiều, tôi thầm nghĩ: mười tám
giờ.
Được rồi,” Belbo nói. “Ba mươi sáu mỗi thế kỷ, từng bước một các hiệp sĩ
chuẩn bị để đổ về Hòn đá. Nhưng Hòn đá này là gì?”
“Thật là, thưa các ngài! Hòn đá tất nhiên là Chén thánh.”