“Giờ, nếu anh lấy cơ thể và đếm tất cả những thứ mọc ra từ thân mình, tay,
chân, đầu, dương vật, anh có sáu; nhưng phụ nữ thì là bảy. Bởi lý do này, em thấy
có vẻ như các tác giả của anh chưa từng nghiêm túc tính đến số sáu, ngoại trừ
việc nó là hai lần của ba, bởi vì nó quen thuộc với đàn ông, những kẻ không
mang con số bảy. Vậy nên khi đàn ông thống trị, họ thích nhìn nhận số bảy như
con số thiêng huyền bí, mà quên bẵng về vú đàn bà, nhưng mặc họ.
“Tám... tám... đợi em một phút... Nếu ta không đếm tay và chân như một mà
là hai phần, bởi vì khuỷu tay và đầu gối chia tay và chân làm hai, anh có tám
phần có thể cử động, thêm thân mình, anh có chín, và thêm đầu vào, anh có
mười. Cứ bám lấy cơ thể thôi, anh có thể có tất cả các con số anh muốn. Những
cái lỗ, chẳng hạn.”
“Những cái lỗ?”
“Phải. Có bao nhiêu lỗ trên cơ thể?”
Tôi đếm. “Mắt, lỗ mũi, tai, miệng, lỗ trôn: tám.”
“Anh thấy chưa? Một nguyên nhân khác khiến tám là con số đẹp. Nhưng em
có chín! Và với cái thứ chín đó em mang anh đến với thế giới này, bởi vậy chín
thiêng liêng hơn tám! Hoặc, nếu anh muốn, thử giải phẫu cột đá, thứ mà các tác
giả của anh luôn nói tới. Đứng thẳng vào ban ngày, nằm xuống khi đêm xuống -
cả thứ của anh nữa. Không, đừng nói với em ban đêm nó làm gì. Thực tế là khi
dựng thẳng là nó vào việc còn rũ xuống là nghỉ ngơi. Vậy nên tư thế thẳng đứng
là sự sống, chỉ về hướng mặt trời, và các đài kỷ niệm đều đứng như cây đứng,
trong khi tư thế nằm và ban đêm là ngủ, cái chết. Tất cả các nền văn hóa đều thờ
những cột đá, trụ đá, kim tự tháp, cột, nhưng chẳng ai cúi mình trước ban công và
lan can. Anh đã bao giờ nghe về tục rất cổ xưa thờ cúng lan can linh thiêng chưa?
Anh thấy không? Thêm một điểm nữa: nếu anh thờ một phiến đá dựng thẳng, thì
dù cho các anh có nhiều người, tất cả đều có thể thấy nó; nhưng nếu thay vào đó
các anh thờ một phiến đá nằm ngang thì chỉ những người đứng hàng đầu mới
thấy, thế là những kẻ khác bắt đầu xô đẩy, cho tôi xem với, cho tôi xem với, nào
phải là cảnh tượng phù hợp cho một nghi lễ mầu nhiệm...”
“Thế còn những con sông...”
“Sông được thờ phụng không phải bởi vì chúng nằm ngang, mà bởi vì chúng
chứa nước, và anh không cần em phải giải thích với anh về mối quan hệ giữa
nước và cơ thể... Dù sao đi nữa, đó là cái gắn kết chúng ta, tất cả chúng ta, và là
lý do vì sao cách nhau hàng triệu cây số người ta vẫn tạo ra những biểu tượng
giống nhau, và một cách tự nhiên tất cả chúng đều cái này nhang nhác cái kia.