PHẦN THỨ XIII : KẾT LUẬN
Nói tóm lại giữa lúc người Việt-Nam không mấy để ý đến quần đảo
Côn-Lôn, thì trái lại, trên hai trăm năm, hai đại cường quốc Âu-Châu là Anh
và Pháp đã để ý một cách đặc biệt đến quần đảo này.
Anh quốc để ý đến quần đảo Côn-Lôn là vì cần phải bảo vệ sự phồn
thịnh của Tân-Gia-Ba thuộc Anh bằng cách chiếm quần đảo này, để nó khỏi
rơi vào tay một cường quốc khác như Pháp, chẳng hạn, và có thể trở nên
một hải cảng cạnh tranh với Tân-Gia-Ba được.
Lại nữa, con đường Tân-Gia-Ba đi Hương-Cảng cần được bảo vệ bằng
cách chiếm quần đảo Côn-Lôn và cản ngăn không cho một cường quốc nào
làm trở ngại sự đi lại trên con đường ấy.
Các lý do vừa kể trên đều ở trong phạm vi một chính sách bành trướng
và bảo vệ đế quốc Anh trên khắp các mặt biển, giữa lúc mà trên các lục địa
Âu-Châu, các cường quốc tranh giành nhau từng tấc đất. Sự chiếm các đảo
Malte, Chypre ở Địa-Trung-Hải, đảo Cey-Lan (Tích-Lan) và nhiều đảo nhỏ
ở Ấn-Độ-Dương và sau cùng Hương Cảng ở biển Trung Hoa đủ chứng minh
cách liên tục và trường kỳ của chính sách ấy. Trong thời gian hằng mấy trăm
năm, các Chính-Phủ kế tiếp nhau giữ chính quyền ở Anh đều đồng ý tiếp tục
thi hành chương trình này. Vì lẽ đó mà trong hai thế kỷ vừa qua, thập bát và
thập cửu thế kỷ và đầu thế kỷ thứ hai mươi, Anh Quốc đứng đầu trong số
các đế quốc trên hoàn cầu. Khắp năm châu, không nơi nào mà không có
thuộc địa, căn cứ, hải-cảng và thương điếm của Anh.
Về phần nước Pháp, nếu nước này đặc biệt để ý đến quần đảo Côn-Lôn
là không ngoài ý định tìm những đất đai mới để bù lại sự mất về tay Anh
quốc một vùng rất lớn ở Ấn-Độ, dưới chiêu bài là vùng ảnh hưởng của
Đông-Ấn Công Ty Pháp. Việc xâm chiếm toàn cõi bán đảo Ấn-độ – China
đã được để ý từ lâu và việc chiếm quần đảo Côn-Lôn thuộc về giai đoạn đầu
của chương trình ấy.