muốn “đầu cơ vặt” đều có thể làm như vậy, điều này ngẫu nhiên đã làm lệch
hướng của tiến trình lịch sử.
Một số cú đột phá lớn tạo nên sự phồn vinh cho
xã hội
Trước thời kỳ hiện đại, trữ lượng của cải của thế giới rơi vào tình trạng
đình trệ kéo dài. Mức tăng trưởng kinh tế hàng năm gần như bằng 0. Đây là
hậu quả của việc dồn của cải xã hội để theo đuổi những mục tiêu phi kinh
tế. Ngân sách quốc gia phần lớn bị tiêu xài bởi chính quyền và giới quý tộc;
đổ vào chiến tranh hay tín ngưỡng, kiện cáo hay xây dựng các cung điện
với những khu vườn xa hoa. Hầu hết những công trình này đều rất lãng phí.
Mặc dù có một số công trình để lại cho người đời sau những giá trị nghệ
thuật vô giá, nhưng nhìn chung vẫn không làm cho nền kinh tế lúc bấy giờ
phát triển hơn. Của cải chuyển biến từ dạng này sang dạng khác nhưng
không hề được tích lũy.
Nền kinh tế chỉ bắt đầu tăng trưởng từ thế kỉ XIV, khi mà một số ít ngân
sách được chuyển hướng đầu tư vào thương mại và công nghệ, dẫn đến sự
phát triển công nghiệp. Những dự án như Colombo cùng với tất cả các
doanh nhân khác chỉ sử dụng một tỷ lệ nhỏ vốn sẵn có của châu Âu nhưng
lại là nguồn gốc dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế châu Âu. Các công
trình này đã mang lại thành tựu to lớn cho xã hội.
Khi chúng ta nói rằng nền kinh tế tăng trưởng 2% mỗi năm, không có
nghĩa là mọi doanh nghiệp đều tăng trưởng 2%. Một số hoạt động kinh
doanh lùi lại trong khi một số khác có thể có mức tăng trưởng lên đến 20%,
50% hoặc thậm chí 100%. Phần lớn sự phát triển đến từ thiểu số các hoạt
động kinh doanh, những doanh nghiệp này đã và đang phát triển rất nhanh.
Bản thân các doanh nghiệp luôn kinh doanh cùng lúc rất nhiều sản phẩm,
dịch vụ. Hầu hết chúng đều có mức tăng trưởng chậm hoặc thậm chí là âm
nhưng một số hoạt động trong đó lại có tốc độ phát triển nhanh bất thường.
Và khi chúng ta đang ngập ngừng ở mức trung bình, ta sẽ nhận ra một số
nhỏ tăng trưởng ngoạn mục đã góp phần rất lớn vào tỷ lệ tăng trưởng của
toàn xã hội.