Có phải chúng ta đã đến gần điểm mốc?
Một “điểm mốc” là nơi một sản phẩm, một khuynh hướng, hay một thái
độ, từ lúc còn bị hạn chế trong một nhóm tiểu văn hóa hay một khu vực nhỏ
bắt đầu biến đổi thành một hiện tượng đại chúng. Điểm mốc là một ranh
giới vô hình mà một khi đã vượt qua, mọi thứ sẽ được thay đổi, có thể là
mãi mãi.
Một căn bệnh, chẳng hạn như bệnh cúm hay bệnh AIDS, trở thành một
dịch bệnh. Quan hệ tình dục trước hôn nhân trở thành một phần trong nền
văn hóa của giới trẻ hiện nay. Nước trở thành hơi nước. Điện thoại di động
trở nên phổ thông.
Có phải sự vươn lên của cá nhân đã đến gần một điểm mốc? Tôi nghĩ
vậy.
Khuynh hướng tăng tốc của 20 năm qua – đặc biệt là sự gắn kết giữa giá
trị với tài sản và sở hữu, sự phát triển của gia công và liên minh, sự tái xuất
hiện của các nhà quản lý tự làm chủ, và sự sáng tạo của những hệ thống
kinh tế mới vượt qua những ranh giới doanh nghiệp cá nhân – tất cả đều
đem đến sức mạnh và của cải cho những con người sáng tạo, và biểu thị
tiềm năng của một nền kinh tế khác biệt. Nếu chúng ta không vượt qua
điểm mốc, cá nhân sẽ làm giàu hay sẽ được nhận những phần thưởng phi
tiền tệ bên trong hệ thống kinh tế quen thuộc của chúng ta.
Nhưng nếu chúng ta vượt qua điểm mốc, chuyện gì sẽ xảy ra? Khi đó
mọi thứ sẽ như thế nào?
Chúng ta không thể biết chắc được. Bản chất của sự chuyển tiếp đầy kịch
tính là chúng tạo ra một cái gì đó hoàn toàn khác, không thể đoán trước
bằng phương pháp loại suy đơn giản những khuynh hướng trong quá khứ.
Ai có thể biết được việc trồng trọt và thuần hóa nuôi dưỡng thú vật sẽ dẫn
đến vua chúa, thầy tế và nông nô cũng như những kiến trúc và đế chế vĩ
đại? Ai có thể biết được xã hội phong kiến đó sẽ trở nên lỗi thời và lạc hậu
trước những bộ máy hơi nước? Hay ai có thể biết được sự quản lý cần thiết
ban đầu cho các đường sắt sẽ dẫn đến những quy trình sản xuất hàng loạt,
chiến tranh toàn diện, bộ máy quan liêu và xã hội tiêu thụ?