Nếu mỗi một người thợ mộc đều cần phải tự mình sáng chế ra cái rìu, cái
cưa, cái bào, rồi mới học cách sử dụng các dụng cụ đó, thì chắc hẳn đến khi
anh ta xuống lỗ rồi cũng chưa thành người thợ lành nghề.
Nếu muốn học địa lý mà chúng ta cần phải đi du lịch khắp trái đất, lại đi
phát kiến châu Mỹ lần nữa, đi thám hiểm khắp châu Phi, trèo lên tận ngọn Ê-
vơ-rét
, đếm từng mũi đất và bán đảo, thì suốt đời ta cũng không làm xuể,
dù ta có sống lâu gấp nghìn lần bây giờ đi nữa...
Càng ngày lịch sử càng tiến lên, thì con người ngày càng cần phải học
nhiều hơn. Mỗi một thế hệ mới ra đời đều thừa hưởng của các thế hệ trước
một số lượng tri thức, phát minh, sáng chế ngày càng tăng.
Cách đây khoảng hai thế kỷ, người ta thấy có khi có vị tiến sĩ khoa học
tuổi mới mười sáu. Bây giờ thì tìm đâu ra được một tiến sĩ khoa học ít tuổi
như vậy!
Bởi vì chúng ta phải hết mười năm mới học xong bậc phổ thông. Sau này,
thời gian học sẽ còn kéo dài hơn nữa
. Qua mỗi năm, các ngành học đều
được những phát minh mới làm cho phong phú thêm. Và cả con số các ngành
khoa học cũng tăng lên. Xưa kia ta chỉ biết có mỗi môn vật lý duy nhất, bây
giờ thì đã phân riêng ra các môn vật lý địa cầu, vật lý thiên văn, v.v... Trước
kia chỉ có một môn hóa học đơn thuần, nay đã có các môn hóa học địa chất,
hóa học sinh vật, hóa học nông nghiệp. Do sự thúc đẩy của các kiến thức
mới, các khoa học phình ra và đẻ thêm ra tựa như những tế bào của một cơ
thể sống.
Chắc chắn là ở thời kỳ đồ đá chưa có các bộ môn khoa học. Thời đó,
nhân loại mới bắt đầu tập hợp và tích lũy được những mẩu kinh nghiệm và
hiểu biết đầu tiên. Các công việc thời đó chưa có gì là phức tạp, và sự học
hành đòi hỏi rất ít thời gian so với ngày nay. Nhưng dù sao ngay ở thời đó,
người ta vẫn không thể không cần đến ít nhiều kiến thức.