Con người không phải là sinh ra đã có sẵn công cụ trong người mà phải
tự chế lấy công cụ. Vậy thì con người cũng không thừa kế được của bố mẹ
kiến thức để sử dụng các công cụ. Anh ta phải học của thầy hay của những
người bạn có kinh nghiệm.
Chắc hẳn những kẻ lười biếng sẽ vừa lòng nếu cứ sinh ra là đã thuộc lòng
các quy tắc văn phạm và toán học, như thế cần gì phải đến lớp học nữa!
Nhưng nếu thật như vậy thì có lợi gì cho nhân loại không? Điều đó đáng ngờ
lắm. Không học tập thì con người không thể biết thêm điều gì mới được. Và
nếu như vậy thì trình độ hiểu biết, các thói quen lao động của anh ta là có sẵn
trời cho và vì thế sẽ hoàn toàn không thể thay đổi được. Trong trường hợp đó,
con người sẽ có thể ví với con sóc được.
May mắn thay, chúng ta không sinh ra cùng với những thói quen lao động
có sẵn. Con người phải truyền đạt và học tập kiến thức. Và do đó mỗi thế hệ
đều đóng góp thêm một cái gì mới vào gia tài do tổ tiên để lại. Kinh nghiệm
của loài người cứ mở rộng và tích lũy thêm mãi.
Và do đó phạm vi những điều không biết rõ ngày càng thu hẹp lại.
Ở Liên Xô ngày nay, tất cả trẻ em đi học từ bảy tuổi.
Toàn thể nhân dân Liên Xô đều học tập và luôn luôn học thêm những
điều mới.
Chính là nhờ đã trải qua hàng nghìn năm học nghề và lao động mà con
người mới được như ngày nay. Chính quá trình học tập đó đã mang lại cho
loài người các khoa học, các kỹ thuật, các nghệ thuật, tóm lại là cả nền văn
minh.
Ở đầu thời kỳ đồ đá cũ, con người đã bắt đầu đi vào trường học của cuộc
đời. Các người đi săn già, có kinh nghiệm, dạy cho con cháu những điều tinh
xảo của nghề săn bắn rất khó đó. Họ giảng giải cách phán đoán những dấu
chân các con thú, cách lại gần mồi săn mà chúng không biết.
Đến bây giờ, việc săn bắn cũng đòi hỏi có kiến thức. Nhưng ít nhất thì
những người đi săn ngày nay cũng không cần phải tự mình chế tạo ra vũ khí