dần dần quen thuộc với nhịp điệu thăng giảm của nước sông và biết cách
chiến thắng dòng sông bằng mưu trí.
Người ta chặt những cây to, đặt nằm trên bờ sông và buộc chằng thật chặt
các thân cây đó lại với nhau. Trên lớp thân cây đó, họ lại đặt ngang thêm một
lớp thân cây nữa. Rồi lại đặt dọc thêm một lớp thân cây nữa, cứ như vậy cho
đến khi tạo thành một cái nền cao, trên đó sẽ dựng nhà để ở. Từ nay, nước
sông dù có dâng lên cũng không gây nguy hiểm nữa: nước sông có thể tràn
lên bờ, nhưng không dâng tới chân móng nhà được.
Đó là một thắng lợi to lớn của con người: anh ta đã đắp cao được những
nền đất trước kia còn quá thấp. Từ những “nền” bằng thân cây đó, con người
tiến lên đắp những con đê và đập ngăn nước sau này.
Vật lộn với những dòng sông thật là công việc vất vả gian khổ.
Vậy thì tại sao người ta lại cứ cố nán lại để sống trên bờ sông, bờ hồ như
vậy? Cái gì hấp dẫn anh ta ở đó?
Hãy nhìn những anh chàng đi câu, say sưa ngồi cả ngày bên bờ suối, tay
cầm cần câu, mắt nhìn phao không chớp, thì sẽ hiểu ngay điều đó: người ta
thích ở gần nước vì nước có cá.
Thế nhưng người đi săn thời xưa làm thế nào để đồng thời thành người
đánh cá được? Vì nghề cá đòi hỏi phải có những dụng cụ, những thói quen và
phương pháp khác hẳn nghề săn.
Người đi săn thời xưa không thể đột nhiên trở thành người đánh cá ngay
một lúc được. Vậy thì trước khi biết cách câu cá, anh ta tìm cách săn cá.