Những chân móng đầy than và tro là dấu vết những cột lớn chống đỡ mái
nhà; mái nhà thì lợp bằng lau sậy (vì thấy những mẩu sậy cháy đen).
Cái bếp chính giữa nhà không dùng để nấu ăn nên tro ở đấy mới trắng và
sạch thế. Và đống tro ở đó sở dĩ rất dày là vì theo tục xưa, lửa đốt suốt ngày
đêm trong nhà.
Lửa này chỉ có thể bị dập tắt khi cháy nhà.
Còn các bếp nhỏ rải rác ở giữa các cột nhà thì đều dùng để nấu ăn, nên tro
ở đấy bẩn và có lẫn xương.
Nhà có nhiều bếp, tức là gồm nhiều gia đình ở chung. Tất cả mọi người
trong nhà đều thuộc cùng một thị tộc, cùng một dòng máu. Thị tộc này không
nhỏ. Có tới một trăm người hoặc hơn thế. Do vậy mà họ mới cần phải dựng
một căn nhà lớn như vậy.
Hình dáng bên ngoài của ngôi nhà giống như một cái lều tròn, có tháp
nhọn.
Từ lối ra vào đến chiếc bếp đốt suốt ngày đêm có một lối đi dài giữa hai
hàng cột. Bên phải lối đi này, kê những bếp nhỏ nấu ăn. Bên trái là một
khoảng sân rộng.
Một câu hỏi được đặt ra: Người nguyên thủy chừa một khoảng rộng ra để
làm gì?
Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học đã phải lưu ý tới những túp lều
của các thị tộc tìm thấy ở các hải đảo An-đa-man cách vùng Trung Á khá xa.
Ở hải đảo này người nguyên thủy đã dành các khoảng trống đó cho những
cuộc khiêu vũ ma thuật và lễ nghi tín ngưỡng.
Chính nơi đây, bên trái lối đi gần tường nhà các nhà khoa học đã tìm thấy
trong nhà của những người đánh cá những dấu vết của những bếp lửa rất nhỏ,
có thể đây không phải những bếp của những gia đình mà là của những người
độc thân.