Nhìn bề ngoài thì hoàn toàn không giống cái thuyền của chúng ta ngày
nay. Ông tổ của tất cả mọi loại tàu thuyền của chúng ta được làm bằng cả một
cây sồi to nguyên vẹn.
Khi nhìn kỹ cây sồi, trông như nhìn thấy bằng đôi mắt của mình, chiếc rìu
đá đã khoét lõi cây sồi như thế nào.
Cái thuyền đó đẽo bằng rìu đá. Rìu chặt vào gỗ cứng khá dễ dàng khi đẽo
dọc theo thớ gỗ, vì vậy hai bên sườn thuyền khá nhẵn nhụi. Nhưng ở đầu và
đuôi thuyền thì khác hẳn vì ở đây rìu đã phải chặt trái thớ gỗ. Vì vậy gỗ bị
đẽo lởm chởm xù xì như cóc gặm. Có chỗ lưỡi rìu vướng mẩu gỗ chặt không
đi thì người xưa đã phải lấy lửa đốt. Vì vậy ở phía đuôi thuyền bị đốt, có chỗ
thành than và nứt nẻ.
Bên cạnh con thuyền độc mộc đó còn đào thấy chiếc rìu đá đã dùng để
đẽo thuyền. Lưỡi rìu đã mài nhẵn nhụi và sắc. Cả hòn đá để mài lưỡi rìu cũng
tìm thấy ở bên cạnh. Như vậy kỹ thuật làm đồ đá của những thợ thủ công ở
vùng đó thời xưa đã khá tinh xảo nên lưỡi rìu đá mới đủ sắc để đẽo gỗ sồi.
Thế là, sau bao nhiêu ngày lao động, cái thuyền gỗ đã hoàn thành và được
đưa xuống nước.
Người ta mang xiên đâm cá, lưỡi câu, lưới xuống thuyền đi đánh cá.
Cá trong cái hồ lớn này rất nhiều. Nhưng những người đánh cá sợ không
dám đi xa bờ.
Đối với họ, nghề đi lại trên sông nước hãy còn là một nghề mới mẻ mà họ
chưa thạo, chưa có kinh nghiệm gì. Mặt nước lúc thì êm ả, hiền lành, khi thì
nổi giận tung sóng dữ dội: lúc đó con thuyền độc mộc lớn kia cũng mỏng
mảnh như cọng rơm giữa dòng...
Cho nên người ta ngoan ngoãn bơi thuyền sát bờ. Họ đã quen đi hai chân
trên mặt đất. Mặt đất vững chãi hơn. Nó không đu đưa, chao đảo, không nổi
sóng giận dữ như sông nước.