“Đừng nói gì cả. Cứ lặng lẽ ra đi là được. Hoàn cảnh cháu như vậy rồi
làm sao tin ai được. Sau này cháu cũng đừng tin ai cả. Khu này lương tâm
con người dần dần cũng trở nên đáng sợ lắm. Cháu biết vì cái gì mà trở nên
như thế không? Vì tiền đấy, cháu hiểu chưa? Cuộc đời ấy mà, điện sáng lên,
đồng tiền xoay chuyển thì tình người sẽ mất đi. Những đứa trước đây đi qua
đi lại giao dịch buôn bán với Chosun giờ toàn sống bằng nghề trung gian dắt
mối đấy.”
Chú nói xong lại hớp hết chén rượu rồi ngả đầu ra sau.
“Chúng sống bằng nghề bán những đứa trẻ như Bari đấy. Chú đã tìm được
tung tích của chị cháu rồi.”
“Sao ạ? Chú tìm thấy chị Mĩ à?… Ở đâu ạ?”
Chú Tiểu Long nói là chuyện đã từ lâu rồi, chú nghe được tin từ một
người bạn làm chủ quán rượu ở Yong Jeong.
“Chú đưa chức vụ của bố cháu ra và nói muốn tìm một cô gái đến từ
Musan, sau đó họ báo tin cho chú.”
Tôi bỏ đũa xuống rồi đứng dậy khỏi ghế.
“Đi tìm chị ấy đi chú!”
“Cháu nghe hết đi đã. Chả lẽ chú nghe tin xong mà cứ ngồi yên sao?”
Chị Mĩ vừa vượt sông Duman xong thì hình như gặp phải bọn buôn
người. Chị bị bán cho một người đàn ông dân tộc Hán ở vùng nông thôn
cách Yong Jeong 60 ri. Chú Tiểu Long bận công việc nên cho tới khi có việc
tới Gasanthul chú liền ghi tên làng lại và mang theo.
Con đường ngoằn ngoèo không được trải nhựa, bụi bay mù mịt. Nơi chú
tìm đến là một xóm núi nhỏ vùng sâu vùng xa. Có khoảng vài chục nóc nhà
của người dân tộc Hán và dân tộc Chosun. Chú xuống làng và hỏi về chị Mĩ
thì một bà người dân tộc Chosun khẽ khàng chỉ tay về một ngôi nhà. Đó là
một căn nhà hai gian xiêu vẹo, cạnh sân để một cái chuồng gà, nhìn thấy cả