“Khẩu hiệu kiểu gì ạ?” Oyun vừa hỏi vừa bước đi bên vị tu sĩ già.
“Những khẩu hiệu về vinh quang của nước Mông Cổ vĩnh cửu, những lời
kêu gọi của Thành Cát Tư Hãn vĩ đại, mà họ gọi là Người Dẫn Đường, rồi
những biểu tượng pháp sư, những hình đầu sói, những con hươu và đại
bàng…”
“Nhưng tại sao bọn họ lại gây chuyện với các thầy, với thiền viện? Các
thầy chẳng phải là biểu tượng của sự đổi mới tôn giáo quốc gia sao?”
“Với họ thì không, cô gái, với họ thì không. Trong mắt họ, Phật giáo, do
tính bất bạo lực, là sự yếu đuối. Bọn họ chê trách chúng tôi đã làm yếu đi
nhiệt huyết chiến binh của quốc gia, là nguồn gốc gây suy tàn đế chế Đại
Hãn, và vì chúng tôi đã để mặc mình cho chế độ trước tàn sát mà không
cầm vũ khí kháng cự. Với họ, chúng tôi là giặc nội xâm.”
Oyun rất quý trọng các tu sĩ vì điều mà họ đại diện trong mối liên hệ với
quá khứ. Cô cũng biết mạng lưới rất đặc biệt mà họ duy trì trên khắp cả
nước, không chỉ giữa các thiền viện mà giữa cả gia đình các tu sĩ nhập môn
với đệ tử họ tiếp nhận.
“Người ta kể là có một nhóm thỉnh thoảng lại tụ tập ở quá lên về phía
Bắc. Thầy có biết bọn họ ở đâu không?”
“Có. Người ta có nhắc đến một khu trại trong rừng cách đây hai mươi
kilomet, về phía Sanzai, gần nguồn sông Selbe. Đi mười kilomet từ đây,
đến chỗ con đường dẫn lên phía Bắc tách ra một nhánh chạy về phía Tây
trong một ngôi làng, đối diện với tòa nhà nhỏ màu xanh lục, cô hãy đi
thẳng theo lối mòn, cho tới khi không còn thấy sông Selbe bên tay trái nữa.
Khu trại của họ ở đó, bên tay phải cô, nằm sâu trong rừng khoảng một hai
kilomet.”
“Cảm ơn thầy,” Oyun nói và kính cẩn chào từ biệt vị tu sĩ.
“Với một cảnh sát thì cô quá trẻ và đẹp đấy,” lúc đó vị tu sĩ nói với chút
lém lỉnh.
“Với một tu sĩ thì thầy quá tinh mắt và khéo nói với phụ nữ đấy,” cô mỉm
cười đáp lại.