“Tới Trung tâm Văn hóa Pháp, anh cần em cùng anh đi ngay tới Trung
tâm Văn hóa Pháp!”
Solongo từng nghe Yeruldelgger hát lẩm nhẩm những giai điệu xa lạ
nhàm chán bằng tiếng Pháp. Đôi khi, trong lúc đi qua thảo nguyên trên
chiếc xe jeep của mình, ông nghe hàng giờ liền những ca sĩ có giọng hát và
cái tên lạ lùng. Aznavour, Gainsbourg, Bashung… Nhưng cô không hề biết
ông từng theo học tại Trung tâm Văn hóa Pháp.
Mười lăm phút sau, họ tới nơi. Nơi này nằm thẳng về phía Bắc khi đi từ
bệnh viện, không xa những căn lều lớn bằng bê tông được trang trí của
thiền viện Dashchoilin.
Solongo đi theo Yeruldelgger, ông đi qua nhiều phòng làm việc nhỏ như
thể đang ở nhà, chào hỏi bằng tiếng Pháp rất thoải mái rồi ôm hôn theo kiểu
Pháp những người phụ nữ ông gặp và họ có vẻ rất vui khi gặp lại ông. Họ
để ông đi về phía thư viện nhỏ với những hàng giá đầy chật sách cũ.
Yeruldelgger ra hiệu bảo Solongo tới bên ông, đứng trước giá xếp những
cuốn sách lịch sử, không chút do dự rút ra một quyển sách nhỏ còn khá mới
và dịch cho cô nghe tiêu đề: Những phụ nữ bị cắt tóc, cùng dòng tiêu đề
phụ ‘Thủ phạm, tình nhân, nạn nhân’. Cuốn sách có vẻ mới và tên tác giả là
Julie Desmarais.
“Xem này. Đột nhiên anh chợt nhớ ra cuốn sách này. Sau chiến tranh tại
Pháp, gần hai mươi nghìn phụ nữ bị cắt trụi tóc vì đã quan hệ với người
Đức.”
“Quan hệ?”
“Phải, qua lại, ngủ, yêu, nếu em thích nói rõ như vậy hơn!”
“Hai mươi nghìn! Em chưa bao giờ nghe nói về chuyện này.”
“Em muốn sao đây,” ông triết lý,. “trong thế giới của chúng ta thường là
‘khổ ai nấy chịu’. Theo em, có bao nhiêu người Pháp biết rằng vào những
năm hai mươi, Nam tước Điên của chúng ta đã cho giội nước sôi hay ném
hàng nghìn đàn ông và phụ nữ vào nồi hơi đầu máy xe lửa? Các cuộc chiến
tranh đầy bẩn thỉu, và các chiến thắng cũng vậy.”