Solongo ngắm nhìn bìa sách. Trên đó có hình những người phụ nữ sợ hãi
hoặc cam chịu, đầu bị cạo trọc, bị một đám đông hân hoan tàn nhẫn xô đẩy.
Một trong số họ mang trên ngực một chữ thập ngoặc Quốc xã.
“Tại sao anh lại cho em xem những thứ kinh khủng này?” nữ bác sĩ pháp
y hỏi.
“Vì anh nghĩ vụ án này cũng tương tự. Hai cô gái bị giết, bị cắt trụi tóc vì
đã ngủ với đám người Trung Quốc.”
“Nhưng chúng ta đâu có bị người Trung Quốc chiếm đóng!”
“Với một bộ phận người dân thì có đấy. Chúng ta chịu sự thao túng về
kinh tế của đám người Trung Quốc luôn xử sự như những kẻ chiếm đóng.”
“Anh thực sự nghĩ như những gì anh vừa nói sao?”
“Đó không phải là những gì anh nghĩ, nhưng nhiều người tin chắc như
vậy. Số vụ tấn công người Trung Quốc và Hàn Quốc đã tăng gấp đôi kể từ
năm ngoái.”
Solongo có vẻ choáng váng trước những gì cô nghe thấy. Bạo lực của
đám đông và các lý tưởng luôn khiến cô ghê sợ hơn bạo lực của các cá
nhân. Trong lúc để lại cuốn sách của Julie Desmarais lên giá, cô lướt nhanh
qua những cuốn sách khác đề cập đến cùng giai đoạn và dừng lại ở một
cuốn viết về việc đẩy người Do Thái vào các trại tập trung.
“Xem này,” cô nói với Yeruldelgger. “Đây là ngôi sao Do Thái em nói
với anh. Tấm khiên David. Họ viết gì vậy?” cô hỏi, chỉ tay lên phần chú
thích của bức ảnh. “Anh dịch được chứ?”
Yeruldelgger cầm lấy cuốn sách từ tay cô và đọc lần đầu thật khẽ. Sau
đó, ông hắng giọng, như một học sinh không thoải mái sắp phải đọc thuộc
lòng, đưa ngón trỏ theo từng từ ông dịch.
“…Mệnh lệnh số tám của Bộ Chỉ huy Đức tại Pháp, ngày 29 tháng Năm
năm 1942: Cấm người Do Thái từ sáu tuổi trở lên xuất hiện ở nơi công
cộng mà không đeo ngôi sao Do Thái. Ngôi sao Do Thái là một hình ngôi
sao sáu cánh có kích cỡ bằng lòng bàn tay và đường viền màu đen, làm
bằng vải vàng và có ghi từ ‘Do Thái’ bằng chữ cái màu đen. Ngôi sao cần
được đeo ở vị trí dễ thấy trên ngực trái, được khâu chắc vào trang phục.”