biết gì về những tội ác bọn Quốc xã đã gây ra tại châu Âu. Chính vì muốn
cố gắng tìm hiểu sự phẫn nộ dữ dội của một số khách du lịch Pháp mà ông
đã tới Trung tâm Văn hóa Pháp lần đầu tiên để tìm hiểu. Và cũng do những
gì ông đã đọc và thấy mà gã đàn ông vừa bị ông còng tay không chút
nương nhẹ khiến ông thấy buồn nôn.
“Làm sao chúng ta có thể lờ đi cuộc tàn sát sáu triệu người Do Thái
chứ?” hồi đó ông đã phẫn nộ hỏi.
“Bởi vì đó không phải là lịch sử của chúng ta,” Solongo buồn bã đáp.
“Sáu triệu người chết, làm sao lại không phải là lịch sử của cả chúng ta
được?”
“Hàng trăm triệu người chết trong lịch sử và nhiều người khác gần với
lịch sử của chúng ta hơn. Lịch sử của người Do Thái không phải lịch sử của
chúng ta. Toàn bộ cuộc chiến tranh của họ cũng không phải là của chúng
ta!”
“Nhưng dù sao cũng là sáu triệu người bị tàn sát!”
“Em biết,” Solongo đã trả lời. “Em hiểu, và em không thanh minh gì cả.
Em chỉ nói với anh là nếu chúng ta không biết gì về chuyện đó, thì bởi vì
đó không phải là lịch sử của chúng ta. Lịch sử của chúng ta trong thời gian
đó là cuộc tàn sát tăng sĩ, là việc phá hủy đền chùa, là việc cấm đoán ngôn
ngữ của chúng ta. Có bao nhiêu người châu Âu biết những chuyện đó,
Yeruldelgger? Và không nên trách cứ họ, vì đó cũng không phải lịch sử của
họ.”
Khi đó vị cảnh sát trưởng đã ngầm tán thành lý lẽ của Solongo, cho dù
ông luôn khó lòng tự thuyết phục bản thân rằng sáu triệu cái chết lại không
phải là chuyện của tất cả mọi người. Cô bạn ông đã nói tiếp, mắt đẫm lệ, để
giải thích với ông rằng giờ đây lịch sử của người Do Thái là mối quan hệ
giữa họ với Palestine, và trong khoảng thời gian đó ba triệu người chết dưới
chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia và cả triệu người Tutsi bị đe dọa tại
Rwanda trong vài tháng cũng không thực sự là một phần trong lịch sử của
họ nữa.