Iqbal, một trong bốn thi hào xuất sắc nhất thế giới - những người còn lại là
Rumi, Mirza Ghalib, và người thứ tư, cũng là người Hồi giáo mà tôi quên
mất tên - đã viết một bài thơ nói về nô lệ:
Họ mãi là nô lệ vì không thể nhìn thấy những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.
Đó là điều đúng đắn nhất mà người ta có thể nói ra.
Nhà thơ Iqbal này đúng là một đại thi hào - ngay cả khi ông ta là người Hồi
giáo.
(Nhân tiện, thưa ngài Gia Bảo, ngài có để ý là cả bốn thi hào vĩ đại nhất đều
là người Hồi giáo không? Thế mà những người Hồi giáo ngài gặp thảy đều
mù chữ, hoặc là trùm kín mít từ đầu tới ngón chân trong áo burka đen, hoặc
là đi tìm các tòa nhà để làm nổ tung? Thật là khó hiểu nhỉ? Nếu ngài có thể
giải mã những người này, hãy gửi e-mail cho tôi.)
Từ khi chỉ là một thằng nhóc con, tôi đã thấy được những gì đẹp đẽ trong
cuộc sống:
Số tôi không làm nô lệ suốt đời.
Một ngày nọ bà nội Kusum phát hiện ra chuyện tôi và cái pháo đài. Bà đi
theo tôi từ nhà đến cái ao có những hòn đá, và thấy tôi đang làm gì. Đêm
hôm ấy bà mách bố tôi, “Nó cứ đứng đó há hốc mồm nhìn cái pháo đài - hệt
như mẹ nó từng làm. Nó sẽ chẳng làm nên trò trống gì, tao cho mày biết.”
Khi tôi được chừng mười ba tuổi, tôi quyết định tự đi lên pháo đài. Tôi lội
qua cái ao, đến phía bên kia, leo lên đồi; ngay khi tôi đang dợm bước đi
vào, một vật màu đen hiện ra ở lối vào. Tôi quay lưng bỏ chạy thục mạng
xuống đồi, khiếp vía đến nỗi không khóc được.
Đó chỉ là một con bò. Đứng từ xa tôi nhận ra nó, nhưng tôi cứ run như cầy
sấy, chẳng dám đi trở lên nữa.