Ông đốc công có cảm giác như không hề rời khỏi phân xưởng và mọi
chuyện ở đó vẫn như cũ cả. Ông đã lầm. Ở phân xưởng, không phải mọi
chuyện đều như cũ. Đám thanh niên đội mũ bịt tai, hoặc mũ nồi, mặc áo
bông lấm láp đầy dầu mỡ, đi đôi ủng gót đã vẹt, lúc nào cũng sôi nổi, đang
ngày một trưởng thành. Như Ma-sa chẳng hạn, cô đã nghĩ ra một cách mới
để mài nhẵn chi tiết “116-A”, không mài từng vòng, mà mài cả ống phôi
một lúc. Theo yêu cầu của Di-na, hoạ sĩ ban chấp hành công đoàn nhà máy
đã vẽ một bức tranh cổ động chúc mừng Ma-sa treo ở ngay phía trên bảng
chỉ tiêu. Đứng trước tranh cổ động ấy là một thiếu niên đội mũ lót lông
hươu có tai bịt dài. Em há hốc mồm ra mải mê nhìn. Nghĩa là không chỉ
riêng cô Nhi-na Páp-lốp-na và anh Xtu-ca-tsép có cái đầu suy nghĩ, cả chị
Ma-sa cũng có một cái đầu thực sự. Nếu không kể đôi giày mới thì chị Ma-
sa là người thế nào nhỉ? Chị ấy chỉ là một cô gái gày gò, bé nhỏ, giọng nói
nhỏ nhẹ, thế mà bức tranh cổ động vẽ về chị ấy thật là đẹp, nào chữ vàng,
chữ đỏ, chữ xanh.
Em thiếu niên đội mũ lót lông hươu đi ra mé sau hàng cột. Một phút sau,
hai thiếu niên nữa cũng tới đó. Các em xem xét kỹ cỗ máy Bu-sơ thứ hai
tính từ ngoài vào, đặc biệt là bộ bánh răng nhỏ, một bộ phận vẫn được gọi
là “cây đàn ghita”. Khi đó các em giống như ba kẻ đang âm mưu một việc
gì quan trọng, thậm chí nguy hiểm nữa. Người điều khiển cuộc hội ý này là
một anh chàng mảnh khảnh, điệu bộ tất tả. Với vả thành thạo như một kỹ
sư, cậu ta đang giảng giải gì đó cho hai bạn về “cây đàn ghita” của cỗ máy.
Cuộc hội ý bị đứt quãng ngay khi Ca-chi-a và Lê-na bước vào. Ba em
trai chia tay nhau như thể chỉ tình cờ gặp nhau và chuyện vừa nói với nhau
chỉ là những chuyện vớ vẩn.