KẺ PHÁ MÁY
C
hưa bao giờ mọi người lại yêu quý máy móc thiết tha như trong những
năm chiến tranh nguy nan ấy. Những người Xô-viết biết rằng mỗi khẩu đại
bác, mỗi cây súng trường bắn vào đầu giặc ở ngoài mặt trận đều đã được
máy móc ở tít sâu trong lòng hậu phương làm ra, họ hiểu rằng nếu không
có những cỗ máy của họ thì các bao đạn và hòm đạn sẽ cạn dần, máy bay
không cất cánh nổi, còn tàu chiến thì không rời cảng được. Đó là lý do vì
sao họ lại giữ gìn máy móc như con ngươi của mắt họ, và những người sử
dụng máy móc một cách cẩu thả, làm hỏng máy móc, bị gọi bằng một cái
tên nhục nhã - kẻ phá máy.
Ở nhà máy có ba trường hợp làm hỏng thiết bị, nhưng vụ do học sinh học
tiện Cô-xchi-a gây ra là vụ nặng nhất: một người đứng máy không có
quyền sửa lại máy, không có quyền tự tiện như thế. Sự việc thật quá
nghiêm trọng. Các công nhân trẻ lén chạy tới sau hàng cột để nhìn những
chiếc bánh răng đã bị gãy vụn. Các cô gái thốt lên những tiếng kêu sợ hãi,
còn các cậu con trai thì huýt sáo ngụ ý muốn bảo: không bao giờ chúng tôi
để xảy ra những chuyện như thế đâu. Di-na đến, cô nói nhưng không nhằm
vào ai cả:
- Thật là một dấu hiệu đáng lo ngại!
Khi mọi người đang chê bai kẻ phá máy, thì Ca-chi-a và Lê-na co túm
người lại và tròn xoe mắt nhìn nhau khiếp sợ, còn Xê-va… Xê-va không
trông thấy gì và không nhận thấy gì hết, cậu ta vẫn làm việc, mặt tái mét,
thậm chí còn xám ngắt nữa là khác. Về phần thủ phạm gây ra sự cố này thì
hắn không có ở đây. Cái vật bé nhỏ đang chúi ở một góc kia hoàn toàn
không phải là Cô-xchi-a. Đó chỉ là một cái gì nhỏ nhoi vô giá trị đã bị gạt
ra khỏi cuộc sống.