- Này! – Lê-na ngăn bạn. – Lại có ai đến chỗ chúng ta để… xem kia kìa.
Đó không phải “ai” xa lạ, mà chính là ông phóng viên nhiếp ảnh có bộ
râu hung. Ông không đi một mình, mà cùng đi với ông còn có một quân
nhân lạ mặt – một sĩ quan đeo quân hàm, vai khoác xà-cột.
Trông thấy ông phóng viên nhiếp ảnh, Ca-chi-a nhớ lại tất cả. Em nhớ lại
cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông, một cuộc gặp gỡ kết thúc rất đáng buồn. Em
cúi đầu giả vờ như không trông thấy gì, mặc dù em vẫn muốn biết hai
người này đến để làm gì.
Ông phóng viên nhiếp ảnh nhận ra em ngay. Ông tiến đến gần:
- Chào cháu Ca-chi-a. Trông cháu khỏe lắm rồi!
Ông ngừng lời, bỏ mũ ra, lau mồ hôi trên trán và chằm chằm nhìn người
sĩ quan. Người sĩ quan nhìn Ca-chi-a chăm chú, hết sức chăm chú, anh mỉm
cười và dùng đầu ngón tay trỏ ấn vào chạc giữa chiếc kính cặp mũi của anh
để nhìn cho rõ hơn. Ca-chi-a rất khó chịu, thậm chí bực bội nữa, nhưng em
không biết phải xử sự thế nào, cho nên em chỉ đỏ bừng mặt.
- Đúng là đồng chí đã không lầm, - người sĩ quan nói – chắc chắn là như
vậy rồi.
- Tôi lầm sao được! – ông phóng viên kêu lên. – Các phóng viên nhiếp
ảnh bao giờ cũng nhớ mặt và nhớ tên rất giỏi.
- Đôi mắt cũng xanh y như thế.
- Xanh biếc ấy, đồng chí nhỉ! Cả thành phố này không ai có đôi mắt xanh
như vậy đâu. Tức là cũng có thể có, nhưng tôi chưa gặp… Ca-chi-a, cháu
có thể ngừng máy một phút được không?
Cỗ máy đã đứng lặng yên. Ca-chi-a cũng lặng người đi. Em lập tức cảm
thấy mỏi rã rời. Người sĩ quan lấy một vật gì đó trong xà-cột đưa cho Ca-
chi-a.
- Có lẽ cháu biết cái này chứ? – anh hỏi.
- Đây là cái bót thuốc lá… - em nói. – Đây là cái bót thuốc lá bằng ngà
của bố cháu… - Em nhìn chiếc bót thuốc lá có khắc chữ mà tưởng như
trong mơ. Môi em mấp máy nhưng không thốt được một lời nào, còn đôi
má em mỗi lúc một tái đi. – Cái này… ở đâu ra đấy ạ? – Cuối cùng, em hỏi
bằng một giọng buồn rầu: - Bố cháu làm sao rồi ạ?