cái đồng hồ mà đeo với người ta cho nó lịch sự, mặc sơ mi công sở cũng
đẹp nữa.
Những ngày mới lập nghiệp, rong ruổi hết hiệu may này tới hiệu may
khác để chào vải lụa, đi mười tiệm thì hết mười tiệm lắc đầu. Bởi buôn có
bạn, bán có phường, người ta có mối có mang cả rồi, đâu dễ gì một người
lạ hoắc nhảy vảo mà có bạn hàng ngay được. Rồi lại phải chấp nhận bỏ
chịu, bỏ gối đầu cho những tiệm nhỏ, may lẻ 1,2 bộ. Tới thu tiền nhiều khi
chỉ được mấy trăm nghìn đồng. Rồi dần dần mới có nhiều bạn hàng hơn, bỏ
được cho cả sạp vải ở chợ, bán cho người ta xách tay ra nước ngoài. Cuối
cùng sau gần chục lần thương thảo trầy trật, đội nắng dầm mưa, chầu chực
người ta, tôi mới có được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên.
Làm kinh doanh thì chẳng thể đứng yên một chỗ được, phải vận động
liên tục, đổi mới liên tục. Cái này bắt đầu bão hòa thì mình đã phải chuẩn bị
đà để nhảy sang cái khác tiềm năng hơn. Trong mấy năm ngắn ngủi, tôi
nhảy đủ thứ ngành. Từ linh kiện điện tử, bán di dộng ở cái thời smartphone
ở Việt Nam chưa rầm rộ như bây giờ đến buôn bán nhà tầm trung, mở
khách sạn, làm du lịch, buôn đá quý, buôn yến sào, mở chuỗi kinh doanh
cơm văn phòng, B2B đủ thứ ngành hàng, làm vận hành - quản lý - đầu tư
các dự án khu phức hợp, khách sạn, resort 5 sao theo thương hiệu quốc tế...
Trải qua ngần đó thăng trầm, người ta chỉ nhắc đến những thành công của
tôi bởi vì tôi còn trẻ, chứ ít ai đào sâu vào những khó khăn, những ngày
cheo leo giữa bờ vực phá sản mà đã làm kinh doanh thì chắc ai cũng đôi lần
phải trải qua, cả những ngày cảm thấy hụt hơi vì bản thân còn quá ít chuyên
môn, sóng thương trường thì lớn mà sức người thì có hạn.
Lúc thu về mấy trăm nghìn đồng, tôi cũng đeo chiếc đồng hồ đó. Cho tới
khi khá hơn, thu được tiền triệu, tiền chục triệu, tôi cũng vẫn đeo nó. Rồi
khi có được những hợp đồng lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn - Tôi vẫn
chỉ đeo chiếc đồng hồ mẹ mua năm nào.