Ambient đã giúp các gia đình tiết kiệm đến 40% lượng điện sử
dụng. Màu đỏ của quả cầu thu hút sự chú ý và tạo cảm giác thúc bách
phải thực hiện một hành động (đó chính là giảm bớt mức tiêu thụ
điện). Chúng tôi nghĩ phương pháp này còn phát huy tác dụng lớn
hơn nữa, nếu họ thay màu đỏ bằng những âm thanh khó chịu khi
lượng điện tiêu thụ vượt quá ngưỡng định trước.
Như ghi nhận của Thompson, vấn đề chính nằm ở chỗ điện là
vô hình, không sờ mó hay nhìn thấy được nên người ta không thể
biết khi nào họ dùng nhiều hay ít. Cái hay của quả cầu là làm cho
năng lượng trở thành hữu hình. Nhấn mạnh tầm quan trọng của
thông tin phản hồi, Thompson cho rằng chúng ta có thể tìm ra cách
“nhìn” thấy lượng điện chúng ta tiêu thụ hàng ngày, và thậm chí có
thể cung cấp những con số cụ thể trên các trang web xã hội, chẳng
hạn như Facebook. Không rõ có bao nhiêu người muốn công khai
hóa lượng điện sử dụng của mình và chúng tôi nghĩ chưa đến lúc nhà
nước bắt buộc mọi gia đình phải làm thế, nhưng nếu mọi người
muốn tham gia vào một cuộc thi tiết kiệm điện thì có lẽ không ai
phản đối cách này. Điểm nổi bật là nếu chúng ta có cách làm cho
lượng điện sử dụng trở thành hữu hình, chúng ta sẽ hích nhiều người
khác làm theo, và nhờ đó năng lượng được tiết kiệm mà không phải
áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên hay một mệnh lệnh hành
chính cứng rắn từ phía nhà nước.
Tiếp theo là một ý tưởng liên quan: các chương trình tự nguyện
tham gia được thiết kế để trợ giúp không chỉ các cá nhân, mà cả các
công ty lớn và nhỏ. Trong các chương trình ấy, nhà nước không yêu
cầu bất kỳ ai làm bất cứ điều gì. Thay vào đó, họ hỏi xem các
công ty có muốn tuân theo một số tiêu chuẩn nào đó để tạo ra
những tác động tốt đối với môi trường hay không. Ý tưởng cơ bản là
ngay trong thị trường tự do, các công ty cũng thường quên sử dụng