phải là người đấu tranh cho sự thay đổi đó. Thế nhưng trong hầu
hết các công ty, người ta không cho rằng làm người thúc đẩy chính
sách tiết kiệm năng lượng là con đường đúng dẫn tới chiếc ghế
giám đốc, đặc biệt khi những khoản tiết kiệm chi phí chỉ là vụn vặt
so với tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Thế rồi người đấu
tranh cho tiết kiệm được giới thiệu vào phòng kế toán nhờ khả năng
tính toán chi phí giỏi, thay vì vào vị trí giám đốc.
Về mặt lý thuyết, các chương trình của EPA không có tác dụng,
nhưng hóa ra chúng lại thành công trong việc thúc đẩy sử dụng các
công nghệ tiết kiệm năng lượng với chi phí thấp. Kết quả là các
công nghệ mới đó càng được sử dụng rộng rãi hơn. Qua “Ánh sáng
xanh”, các chương trình chiếu sáng tiết kiệm năng lượng được
chấp nhận và thực hiện ở rất nhiều nơi trên toàn nước Mỹ. Chương
trình “Ngôi sao Năng lượng” cũng dẫn đến những cải thiện lớn trong
vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả. Như vậy, chính phủ đã làm
được tất cả những việc này không phải bằng một mệnh lệnh hành
chính, mà bằng một cú hích rất nhẹ nhàng.
Thành công của các chương trình nói trên mang lại những bài học
giá trị trong hoạt động bảo vệ môi trường. Đối với những người đặc
biệt quan tâm đến vấn đề thay đổi khí hậu, bài học là rất rõ ràng.
Bất kể chính phủ có áp dụng chính sách lấy lợi ích làm nền tảng
hay không, nhưng bằng một cú hích, họ có thể khuyến khích sử
dụng tiết kiệm năng lượng và qua đó giảm khí thải gây hiệu ứng nhà
kính. Những người thi hành công vụ nhà nước thường không để ý tất
cả mọi việc, nhưng đôi khi họ nắm trong tay nhiều thông tin hữu
ích và các công ty có thể hưởng lợi từ đó. Kết quả là họ không những
có thể làm tốt, mà còn làm một cách xuất sắc.