Tư duy phản xạ, ngược lại, diễn ra từ từ và thể hiện tính tự nhận
thức. Chúng ta sử dụng tư duy phản xạ trước những câu hỏi như “411
nhân với 37 bằng bao nhiêu?”. Hầu hết mọi người sử dụng tư duy
phản xạ khi cân nhắc lộ trình của một chuyến đi, khi họ chọn vào
trường luật hay trường kinh doanh. Trong khi viết quyển sách này,
chúng tôi gần như chỉ sử dụng tư duy phản xạ, nhưng thỉnh thoảng
vẫn có những ý tưởng mới nảy ra trong đầu khi đang tắm dưới vòi
sen hoặc đang đi dạo, dù lúc đó chúng tôi không hề nghĩ gì tới cuốn
sách mình đang viết.
Có lẽ những ý tưởng đó đến từ tư duy trực giác. Nhân đây xin nói
một chút về vấn đề bầu cử. Các cử tri dường như chỉ dựa vào tư
duy trực giác khi thực hiện quyền công dân của mình. Vì vậy, các ứng
viên tạo ấn tượng ban đầu không tốt đẹp hoặc cố thắng được
nhiều phiếu bằng những luận điểm phức tạp hay các con số rối
rắm thường là những người thất bại.
Hầu hết người Mỹ đều có kiểu phản ứng theo tư duy trực giác
khi đọc nhiệt kế theo độ Fahrenheit (độ F), nhưng lại sử dụng tư duy
phản xạ khi họ nghe nhiệt độ theo độ Celsius (độ C hay bách phân);
còn người châu Âu thì ngược lại. Người nói tiếng bản ngữ luôn sử
dụng tư duy trực giác, nhưng thường chật vật nói một ngôn ngữ khác
thông qua tư duy phản xạ. Khi bạn nói cùng lúc hai thứ tiếng là bạn
đang sử dụng tư duy trực giác. Những kỳ thủ xuất sắc và các vận
động viên chuyên nghiệp là những người có trực giác vô cùng nhạy
bén.
Nói ngắn gọn, tư duy trực giác là phản ứng sâu thẳm (hay linh
tính, tiềm thức, bạn muốn gọi thế nào cũng được) trong bạn và tư
duy phản xạ là những suy nghĩ có ý thức của bạn. Những cảm nhận
bên trong có thể rất chính xác, nhưng chúng ta thường phạm sai
lầm vì quá tin tưởng vào tư duy trực giác. Tư duy trực giác nói rằng
“máy bay đang rung lắc, mình sắp chết đến nơi rồi!”, trong khi