Nhiều người cứ ăn mãi mà không để ý rằng họ đang ăn một đĩa xúp
“không đáy”. Thế đấy, những đĩa thức ăn cỡ lớn làm cho người ăn
nhiều hơn. Đó là một hình thức lựa chọn và nó hoạt động như những
cú hích. (Mách nước: nếu muốn giảm cân, bạn hãy ăn bằng chén
nhỏ, đĩa nhỏ, mua thức ăn đựng trong túi nhỏ và đừng trữ những món
khoái khẩu của bạn trong tủ lạnh).
Khi vấn đề tự chủ (hay kiềm chế) và lựa chọn vô tâm kết hợp
với nhau, kết quả là sẽ có một loạt hậu quả tai hại phát sinh. Hàng
triệu người Mỹ vẫn đang hút thuốc lá, dù được cảnh báo và họ cũng
nhận thức rõ các hiểm họa của thuốc lá đối với sức khỏe, nhưng lạ
hơn nữa là đa số họ nói rằng họ muốn bỏ thuốc. Gần hai phần
ba dân Mỹ đang bị thừa cân hay béo phì. Rất nhiều người không
bao giờ muốn tham gia các chương trình tiết kiệm hưu bổng của
công ty họ, ngay cả khi được trợ cấp với tỉ lệ rất cao. Tất cả những
điều này cho thấy, chúng ta có thể nhận được rất nhiều lợi ích từ
chỉ một cú hích.
Các biện pháp tự chủ
Vì con người quan tâm đến những điểm yếu của bản thân nên họ
luôn cố gắng tự hoàn thiện mình. Chúng ta viết ra những món
cần mua khi đi siêu thị. Chúng ta mua đồng hồ báo thức để dậy
đúng giờ. Chúng ta nhờ bạn bè can ngăn khi chúng ta ăn nhiều hay
nhờ họ động viên khi chúng ta đang cố gắng cai thuốc lá. Đó
chính là lúc “Nhà hoạch định” của chúng ta đang thực hiện những
bước kiểm soát hành động của “Kẻ thi hành”, thường là bằng cách
thay đổi các động cơ hay cám dỗ mà “Kẻ thi hành” đang đối diện.
Không may là những “Kẻ thi hành” thường khó khuất phục, thậm
chí chúng còn đẩy lui mọi nỗ lực lớn nhất của “Người hoạch định”.
Hãy xem ví dụ rất đơn giản nhưng đầy ý nghĩa về chiếc đồng