việc cải tạo ruộng đất và cải tiến cách canh tác. Và do tính chất công việc
làm đòi hỏi sự phân công lao động ngày càng tỉ mỉ hơn, số lượng vật liệu
mà họ phải chế biến tăng lên rất nhiều so với số lượng công nhân. Từ đó
nảy sinh ra yêu cầu phải có rất nhiều loại vật liệu, mà con người có thể nghĩ
ra và sử dụng một cách hữu ích hoặc chỉ để trang trí trong xây dựng, may
mặc, làm ra các đồ cần thiết, các đồ dùng gia đình, đó là chưa nói tới nhu
cầu về những vật hóa thạch, các khoáng sản nằm trong lòng đất, các kim
loại và đá quý.
Như vậy, lương thực không những là nguồn cơ bản của tiền thuê đất
mà các sản phẩm khác của đất, mà về sau mang lại tiền thuê cho chủ đất,
đều nhận một phần giá trị của mình từ việc cải tiến năng suất lao động để
sản xuất lương thực bằng cách cải tạo và nâng cao hiệu quả của đất.
Song những sản phẩm khác của đất, mà về sau mang lại tiền thuê,
không phải luôn luôn mang lại tiền thuê đất. Ngay cả ở những nước tiên
tiến về mặt trồng trọt, nhu cầu về các sản phẩm khác của đất không phải
bao giờ cũng lớn để mang lại một giá cao hơn mức cần thiết để trả tiền
công lao động, thanh toán lợi nhuận thông thường của tiền vốn và hoàn lại
số tiền vốn bỏ ra để đưa các mặt hàng đó ra thị trường. Cái giá đó cao hơn
hay không là tùy theo những hoàn cảnh khác nhau.
Ví dụ, một mỏ than có khả năng mang lại tiền thuê cho chủ đất hay
không một phần là do mỏ đó có nhiều than hay không, và một phần khác là
do địa thế của nó.
Một cái mỏ bất kỳ loại nào có thể được xem là có trữ lượng lớn hay
không là tùy theo số lượng khoáng sản mà có thể khai thác được từ mỏ đó
bằng một lượng lao động nào đó, lớn hơn hay kém hơn có lượng khoáng
sản được khai thác cũng bằng một lượng lao động tương đương ở phần lớn
các mỏ khác cùng loại.
Một vài mỏ than tuy ở vào địa thế thuận lợi nhưng không khai thác
được vì chúng chứa đựng quá ít khoảng sản. Sản lượng khai thác được
không đủ bù cho chi phí sản xuất. Vậy, các mỏ đó không mang lại lợi
nhuận và tiền thuê đất.