Tiền tệ của một nhà nước lớn như Pháp hoặc Anh thường chỉ bao gồm hầu
như toàn bộ tiền kim loại. Nếu tiền tệ này bị hư hao trong lưu thông, cắt
xén về hàm lượng hoặc bị giảm xuống dưới mức giá trị chuẩn, nhà nước có
thể phục hồi lại giá trị tiền tệ trên thực tế bằng việc đúc lại tiền kim loại của
mình. Nhưng tiền tệ của một nước nhỏ như Genoa hay Hamburg ít khi bao
gồm tất cả là tiền kim loại của riêng mình mà còn có nhiều loại tiền kim
loại khác cùng lưu hành của các nước láng giềng mà dân chúng trong nước
nhận được qua các quan hệ giao lưu buôn bán. Một nhà nước như vậy sẽ
không phải bao giờ cũng có thể đúc lại tiền kim loại của mình. Nếu các hối
phiếu nước ngoài được thanh toán bằng loại tiền này, thì giá trị luôn luôn
thay đổi, không vững chắc của bất kỳ số tiền nào chắc phải làm cho sự hối
đoái luôn luôn bất lợi cho nước đó, vì tiền của nước này tất yếu bị đánh giá
thấp hơn giá trị thực của nó tại tất cả các nước khác.
Để sửa chữa điều bất tiện mà sự hối đoái bất lợi chắc hẳn đã bắt các
nhà buôn phải chịu thiệt thòi, các nước nhỏ, khi bắt đầu tiến hành các hoạt
động buôn bán, luôn luôn ban hành các sắc lệnh quy định rằng các hối
phiếu có một giá trị nào đó sẽ được thanh toán không bằng tiền thông
thường mà bằng một thứ phiếu trả tiền hoặc bằng cách chuyển tiền vào sổ
sách một nhà ngân hàng nào đó được thành lập dựa vào sự tin cậy và dưới
sự bảo trợ của nhà nước, nhà ngân hàng này luôn luôn có trách nhiệm phải
trả bằng thứ tiền thực sự có giá trị đúng theo tiêu chuẩn của nhà nước. Các
nhà ngân hàng ở Venice, Genoa, Amsterdam, Hamburg và Nuremberg hình
như được thành lập lúc ban đầu theo cách này, mặc dù sau đó cũng có một
vài nhà ngân hàng chuyển sang làm nhiều loại giao dịch khác nữa. Tiền của
các nhà ngân hàng này đều có giá trị cao hơn đồng tiền thường dùng trong
nước, do đó tất nhiên tạo ra một giá trị chênh lệch giữa hai loại tiền, giá trị
chênh lệch này lớn hay nhỏ tủy theo tiền tệ bị mất giá nhiều hay ít so với
mức quy định chuẩn của nhà nước.
Ví dụ: Giá trị chênh lệch của nhà ngân hàng Hamburg thường vào
khoảng 14%; số phần trăm này được coi như giá chênh lệch giữa đồng tiền
chuẩn của nhà nước và đồng tiền đã bị hao mòn qua lưu thông và đã bị cắt
xén về hàm lượng mà các nước láng giềng tung vào nước này.