định. Nhưng vì các nhà buôn góp vốn vào việc trang bị cho các tàu biển đã
được phép chuyên chở hàng tới các thuộc địa, tất nhiên thường phối hợp
hành động với nhau cho nên việc buôn bán của họ thường theo đúng những
nguyên tắc chẳng khác gì đối với một công ty độc quyền cả. Họ cũng bòn
rút những khoản lợi nhuận hết sức quá đáng từ công việc buôn bán đó. Dân
cư tại các thuộc địa buộc phải mua hàng từ chính quốc với giá cắt cổ và bán
sản phẩm của họ với giá rẻ mạt, đó là chưa nói tới việc cung cấp không
được đầy đủ làm nảy sinh ra nạn khan hiếm hàng hóa đẩy giá cả tăng cao.
Đây thật ra cũng là chính sách của Tây Ban Nha trong một vài năm gần
đây, làm cho giá cả hàng hóa của Châu Âu tăng lên rất cao tại các thuộc địa
của nước này ở vùng Tây Ấn. Ulloa đã cho chúng tôi biết rằng ở Quito, 1
pound (khoảng 450 gam) sắt bán khoảng 4 shilling 6 penny và 1 pound
thép khoảng 6 shilling 9 penny. Chính vì muốn mua hàng hóa của Châu Âu
mà các thuộc địa phải bán đi các sản phẩm của mình. Vì sản phẩm bán ra
với giá rẻ và hàng hóa mua vào với giá đắt, cho nên bán ra nhiều nhưng
mua vào chỉ được ít. Chính sách của Bồ Đào Nha về mặt này rất giống với
các thuộc địa trừ Fernambuco và Marannon mà đối với 2 tỉnh này Bồ Đào
Nha còn thi hành một chính sách khắc nghiệt hơn nữa.
Các nước khác thường để cho cư dân của mình buôn bán tự do với
thuộc địa, và họ có thể tiến hành công việc thương mại từ tất cả các hải
cảng của chính quốc và không cần đến bất kỳ loại giấy phép nào khác
ngoài những thông lệnh chung của hải quan.
Trong trường hợp này, do hoạt động phân tán trong những hoàn cảnh
khác nhau, cho nên các nhà buôn không thể phối hợp hoạt động, và hơn
nữa, sự cạnh tranh giữa họ với nhau đủ để giữ cho giá cả luôn ở mức phải
chăng. Với một chính sách tự do như vậy, thuộc địa có khả năng bán sản
phẩm để mua hàng hóa từ Châu Âu với giá vừa phải. Nước Anh đã thực
hiện một chính sách tự do như thế kể từ khi ra lệnh giải tán công ty
Plymouth, khi các thuộc địa của Anh còn đang ở trong giai đoạn đầu của sự
phát triển. Pháp cũng áp dụng một sách tương tự từ khi ra lệnh giải tán
công ty Mississippi như người ta thường gọi nó ở nước Anh.