mà một người Pháp có thể phát âm trong trường hợp không quen với tiếng
Anh.
Tiếng nói của Monique làm tôi giật mình.
- Ông cười gì mà có vẻ thú vị vậy?
- Chính tôi cũng không biết mình đang cười. Nhưng vì cô đã nói chuyện,
tôi xin hỏi cô một câu. Ông anh của cô có nói tiếng Anh giỏi như cô hay
không?
- Cám ơn ông đã quá khen tôi. Không, anh tôi nói dở lắm – ngay cả tôi
cũng vậy. Nhưng tôi đã đi học bên Anh, còn anh ấy thì không. Như phần
đông những người suốt đời chỉ phụng sự cho khoa học, anh ấy không có
khiếu về sinh ngữ. Anh ấy cũng nói được tiếng Anh, nhưng theo giọng
Pháp, nghe đến phát sợ. Chỉ những người Anh và người Mỹ nào quen nghe
lắm mới hiểu nổi.
- Tôi đồng ý với cô Ý tôi muốn nói tài nói tiếng Pháp của người em trai của
tôi cũng vậy, và Ted cũng là một khoa học gia. Hình như bao giờ cũng thế.
Tôi nghiền ngẫm câu trả lời của nàng trong lúc nói chuyện. Rồi tôi chợt hỏi
nàng:
- Cô bị vết bầm gì trên cổ tay vậy? Có đau lắm không?
Nàng nhìn xuống cổ tay của nàng đang đặt trên đùi, xoay chiếc vòng kết
bằng đồng tiền cổ của nước Áo để cho vết bầm hiện ra lớn hơn tôi đã
tưởng. Nàng im lặng một lúc khá lâu mới đáp:
- Không sao hết. Da thịt tôi rất dễ bị bầm. Tôi trật chân hồi sáng trong lúc
đi ngoài hành lang đến phòng ăn để dùng bữa trưa. May có một người bồi
tàu đang đi qua và anh ta đã chụp được cổ tay của tôi nên tôi khỏi té. Vết
bầm này do chiếc vòng gây ra, và chỉ ít hôm là tan mất.
Sự cố gắng của nàng quả thật khá đặc biệt, nhưng nàng đã diễn tả quá nhiều
chi tiết. Nếu mình đang nói dối mình nên dùng những lời lẽ thật vắn tắt.
Chi tiết càng nhiều sự dối trá càng dễ bị bại lộ. Tim tôi đau nhói lên khi
nghe nàng nói như thế.
Nàng vừa đứng dậy vừa bảo:
- Bây giờ tôi phải đi tập hát với ông Morse. Ông đừng quên buổi dạ hội của
tôi nhé!