chục ngọn điện bên rừng sú vụt tắt. Đèn trong xóm cũng tắt hết. Trong
bóng tối bao trùm lên xóm làng, bãi sông, lũy tre, đường sá, tiếng đập lúa
ngoài sân phơi nhà hợp tác nghe càng rõ minh bạch, cứ chan chát, thình
thịch, mỗi lúc càng gan góc và bền bỉ. Bên kia sông, ngay đầu cánh rừng có
tiếng người đàn bà tinh nghịch: "Thằng Giônxơn lại đi mò đấy!". Nghe
tiếng cười giòn giã, ầm ĩ bên cửa sông Đào, Thùy cứ ngỡ số người làm ở
bên ấy càng đông hơn ban ngày.
Một tiếng trẻ con khóc trong xóm.
Thùy vặn nhỏ ngọn đèn, nói:
- Các em che ánh đèn và chúng ta tiếp tục viết!
Cô bước xuống giữa các dãy bàn học sinh, gấp trang sách lại và tiếp
tục đọc theo trí nhớ. Bài giảng văn ấy, Thùy đã từng được các thầy giáo dạy
hồi học lớp bảy, từ lâu cô tưởng đã quên, tự nhiên chợt nhớ lại, rành rọt
từng chữ một.
Cô đọc thuộc lòng cho các em viết tiếp:
- Lúc tỉnh dậy, Bác chỉ nói chuyện tình hình. Bác dặn: "Lúc này, thời
cơ đã đến. Dù phải hi sinh đến đâu, dù phải thiêu cháy cả dải Trường Sơn
cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".
Tiếng máy bay địch vẫn chưa dứt. Trong khoảng trời đêm, chúng bay
rất cao và xa, gợi cho người ta cảm giác như có một con rận đang bò lần lần
trên quần áo, da thịt. Làng xóm vẫn bình thản. Mấy ngôi sao trên ngọn cây
phi lao ngoài cửa sông Kiều vẫn nhấp nháy như những cặp mắt tỉnh táo.
Thùy mở đầu bài giảng văn bằng cách đặt những câu hỏi cho các em trả lời.
Đang giữa buổi học, một học sinh ngồi phía cửa tự động đứng dậy:
- Thưa cô, có người gọi cô ạ!