bà cụ đưa hai con trở về thành phố với mái tóc đã bạc trắng, rồi lại nuôi dạy
con, cho con học hành đến nơi đến chốn bằng số tiền khâu áo bông ít ỏi. Bà
cụ phải rất tần tảo và kiên nhẫn mới đủ sống. Cái tính ấy đã ảnh hưởng đến
Thùy từ bé. Tuy ở phố nhưng hai mẹ con năm nào cũng nuôi vỗ đủ hai lứa
lợn để lấy tiền chi tiêu thêm trong nhà, và Thùy mới có tiền mua giấy bút.
Tuy bây giờ hai con đều trưởng thành, không phải nuôi nữa, nhưng bà cụ
vẫn giữ thói quen như ngày xưa, mỗi năm vẫn nuôi đủ hai lứa lợn.
Sau ngày giỗ bà cụ Lâm, Thùy thu xếp công việc nhà trường để về
thăm mẹ. Cô có vẻ không bằng lòng khi kể với bác Thỉnh: người quen mà
cô vừa gặp cho biết bà cụ đi "sơ tán" nhưng thỉnh thoảng lại về ở nhà. Có lẽ
bà cụ vừa nhớ Thùy lại vừa nhớ nhà. Thùy vừa bực lại vừa thương mẹ hơn.
Buổi trưa hôm ấy, Thùy đạp xe thẳng về cái làng mẹ mình "sơ tán",
cách thành phố vài chục cây số. Quả đúng như thế, bà cụ đã bỏ về trên phố.
Cô vội vàng đạp thẳng về nhà. Đến gần chập tối, khi Thùy đã đứng trước
cái bậc cửa, bên cạnh cánh cửa sơn xanh cũ kỹ thì cô không thấy giận bà cụ
chút nào nữa. Cũng như bao nhiêu lần về thăm mẹ, đứng trước cánh cửa
nhà mình, tim cô lại đập rộn lên. Cô nép vào bên bức tường cửa sổ, đứng
ngắm bà cụ đang ngồi một mình trong nhà, bên ngọn đèn dầu. Cô đứng bên
ngoài nhìn vào một lát rồi nhảy xô vào nhà như một cơn lốc.
- U!
Bà cụ buông cái áo bông đang may dở, giơ ngọn đèn ngang mắt, hồi
lâu mới thốt lên được: "Cha mày, mày về với mẹ đấy ư con?".
Thùy cầm chiếc áo bông màu tím khâu đã sắp xong, ướm thử vào
người, hỏi:
- U khâu áo của ai đặt đây?
- U khâu cho mày đấy, trời bắt đầu rét rồi còn gì nữa?